Nhật Bản quyết bình ổn giá gạo

Gạo được dùng trong hầu hết mọi bữa ăn của người Nhật Bản, từ món sushi, đồ ngọt, lên men rượu cho đến là vật cúng trong các nghi lễ tôn giáo. Do nhiều nguyên nhân, mặt hàng này hiện bị tăng giá cao và Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng bình ổn thị trường.

Hai năm sau mùa hè lạnh giá bất ngờ làm hỏng vụ thu hoạch lúa, buộc Nhật Bản phải nhập khẩu gạo, năm 1995, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kho dự trữ gạo. Kho dự trữ cạn kiệt sau trận động đất và sóng thần năm 2011 khiến 20.000 người thiệt mạng và mất tích, và một lần tương tự sau trận động đất chết người ở Kumamoto năm 2016.

Mùa hè năm 2024, Nhật Bản bắt đầu đối mặt với tình trạng nguồn cung gạo suy giảm. Các chuyên gia cho biết, đợt nắng nóng khắc nghiệt năm 2023 đã làm hỏng vụ thu hoạch. Điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn là tình trạng mua hàng hoảng loạn sau cảnh báo về trận động đất tàn khốc vào tháng 8-2024.

Theo CNN, số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy giá trung bình của một túi gạo 60kg đã tăng lên khoảng 160USD trong năm 2024 (tăng 55% so với năm 2022). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản Taku Eto thừa nhận, giá gạo hiện đang ở mức cao bất thường. Nhưng ông trấn an rằng, Chính phủ sẽ bơm gạo vào thị trường để hạ nhiệt.

Giá gạo tăng gần đây là do vấn đề về chuỗi cung ứng, gạo không đến được các kệ hàng trong siêu thị. Tình hình nghiêm trọng đến mức các siêu thị Nhật Bản đã áp dụng giới hạn số lượng gạo được mua và các nhà hàng buộc phải tăng giá.

I8b.jpg
Người tiêu dùng Nhật Bản phân vân khi giá gạo tăng cao. Ảnh: BLOOMBERG/CNN

Trong một động thái hiếm hoi, Chính phủ Nhật Bản đã chuyển sang dự trữ khẩn cấp và bắt đầu đấu giá gạo. Đã có 2 cuộc đấu giá kể từ tháng 3 cho đến nay và những bao gạo dự trữ đầu tiên này đã lên kệ tại các siêu thị. Nhật Bản có hệ thống phân phối gạo phức tạp, một sự cố nhỏ trong chuỗi cung ứng có thể gây ra tác động lớn.

Để giữ giá cao và hỗ trợ nông dân trong nước, Nhật Bản hạn chế sản xuất gạo. Nông dân bán cho các đại lý thu mua, những người này sẽ bán cho các nhà bán buôn. Các cửa hàng và nhà hàng mua từ các nhà bán buôn này.

Mặt khác, các nhà chức trách Nhật Bản đã cảnh báo về tình trạng mua hàng hoảng loạn, đảm bảo rằng vào vụ thu hoạch mùa thu, nguồn cung sẽ được phục hồi, dẫn đến giá giảm. Tuy nhiên, việc tích trữ gạo vẫn tiếp diễn vì mọi người tin giá sẽ tiếp tục tăng.

Ông Masayuki Ogawa, Phó Giáo sư Kinh tế nông nghiệp tại Đại học Utunomiyacho, cho biết, một số doanh nghiệp và cá nhân đã bắt đầu kinh doanh gạo như một dạng đầu cơ. Theo ông Shuji Hisano, Giáo sư tại Đại học Kyoto, những thay đổi về chính sách đã mang đến cho nông dân nhiều cách để bán gạo mà không cần thông qua các nhà phân phối lớn truyền thống, khiến việc theo dõi phân phối trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, đất nước này cũng đang rơi vào ​​tình trạng thiếu hụt người trồng lúa. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, độ tuổi trung bình của một người trồng lúa là khoảng 71, số lượng nông dân giảm 25% trong giai đoạn từ năm 2015-2020.

Ông Genki Sakurai, chủ trang trại trồng lúa 300 năm tuổi ở Nagaoka, tỉnh Niigata, chia sẻ với tờ Japan Times rằng, dân trồng lúa không muốn truyền nghề không sinh lời cho con cháu. Khi ông bắt đầu canh tác cách đây 17 năm, có hơn 10 nông dân trồng lúa ở khu vực, con số giờ đây chỉ còn 3.

Tin cùng chuyên mục