Theo một nghiên cứu, số lượng các loài mực ở các vùng biển của Nhật Bản đã giảm kể từ những năm 1980. Sản lượng đánh bắt cũng đã giảm xuống còn khoảng 10% so với thời kỳ đỉnh điểm và giá mực đang tăng. Trước thực trạng này, một nhóm nhà khoa học Viện Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản đã phát triển thành công hệ thống nuôi trồng thủy sản dành cho mực - một loại hải sản rất khó nuôi.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã tìm cách nuôi mực từ những năm 1960 nhưng không thành công. Nguyên nhân là do mực có đặc tính hung hăng, thích mồi tươi sống và nhạy cảm với sự thay đổi của điều kiện nước. Có khoảng 450 loại mực được cho là tồn tại trên khắp thế giới. Nhóm nhà khoa học Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu vào năm 2017 bằng cách sử dụng loài mực lá có vây dày, hình bầu dục, sống ở ngoài khơi tỉnh Okinawa, phía Nam Nhật Bản. Nhóm đã nuôi mực từ giai đoạn mới nở để mực quen với mồi không tươi sống, và điều chỉnh cẩn thận các loại thức ăn cũng như kích thước bể nước để giảm căng thẳng khi mực lớn lên. Và nỗ lực của họ đã có kết quả, với tỷ lệ mực sống sót sau 90 ngày được cải thiện từ vài phần trăm lên 90% trở lên. Nhóm cũng cho biết, loài mực này đã được lai tạo ổn định qua 10 thế hệ mà không có vấn đề nào về di truyền (ảnh).
Các chuyên gia tại Viện Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa cho biết, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của họ có tiềm năng được thương mại hóa.