Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Sáng nay 29-8, tại Hà Nội, Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 đã chính thức được khai mạc với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng, Bí thư nhứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yuichiro Uchida, cùng trên 350 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó 8 đoàn đại biểu với trên 80 đại biểu đến từ Nhật Bản.
Được tổ chức thường xuyên từ năm 2007, Japan ICT Day là hoạt động xúc tiến hợp tác kinh doanh quan trọng nhất giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Nhật Bản do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng CLB Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) tổ chức.
Ngày CNTT Nhật Bản năm nay là một trong các hoạt động kỷ niệm 45 năm hợp tác quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Ngày CNTT Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 . Ảnh: TRẦN BÌNH Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, mối quan hệ giữa 2 nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, theo tinh thần “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” đã được 2 bên cùng thiết lập. Cho đến nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực TT-TT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục được thúc đẩy cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT 2 quốc gia.
Bộ TT-TT Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể đến các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin, bưu chính và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT.
Đồng thời, 2 bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai bên thành lập nhằm triển khai các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi.
Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản.
Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, Bộ TT-TT đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0); quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang tập trung chỉ đạo Bộ TT-TT phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, trong đó có cả công nghiệp phần mềm – lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác, tận dụng được hết trong thời gian qua.
Tại sự kiện, các ý kiến tham luận đều khẳng định, nhân lực luôn là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.
Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học là đó chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ.
Hiện tại có 290 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cung cấp đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm.
Theo đánh giá của HackerRank (Hoa Kỳ), Việt Nam là đất nước có khả năng của các nhà phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn thế giới.
Điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.
Về nhân lực CNTT nói chung, Nhật đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 , sáng 29-8. Ảnh: TRẦN BÌNH Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch VJC cho biết rằng, cuộc CMCN 4.0 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo khảo sát của VINASA và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công.
Vấn đề hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc CMCN 4.0 được đưa ra bàn thảo chi tiết tại 2 phiên tọa đàm: Cải thiện chất lượng hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản; và Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới.
Những diễn giả trao đổi tại tọa đàm là lãnh đạo các công ty có uy tín hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản: Luvina, Toshiba, Rikkeisoft, DTS Software Vietnam, Deha, NTT Data, FPT, JTS… Các diễn giả đều cho rằng tuy hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng hợp tác CNTT Việt – Nhật ngày càng khởi sắc và đi vào chiều sâu, mang lại những giá trị thiết thực cho 2 bên.
TRẦN BÌNH