Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho biết, từ nay đến năm 2020 và năm 2025, xu hướng phát triển phụ tải điện ở phía Nam ở mức rất “nóng”. Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017-2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10% - 15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000MW).
Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam). Một nguyên tắc trong hệ thống điện, nguồn điện ở đâu phụ tải ở đấy là tối ưu, vì thế phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở miền Nam. Tuy nhiên, để nhiệt điện than phát triển, Việt Nam cần quan tâm đến việc xử lý môi trường tốt hơn nữa.
Để giải quyết bài toán môi trường trong xây dựng, vận hành nhiệt điện than, mới đây, Tổng cục Năng lượng đã phối hợp với Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) nhằm phát triển công nghệ phát điện hiệu suất cao, ít phát thải. Theo đó, với kinh nghiệm thực tế và năng lực công nghệ, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề nhiệt điện than, xây dựng một nhà máy nhiệt điện than điển hình về môi trường ở Việt Nam.