Ngoại giao con thoi
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Hàn Quốc sau 12 năm, đáp lại chuyến thăm trước đó của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh lần này xoay quanh hợp tác an ninh trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Phát biểu tại họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, bao gồm cơ chế đối thoại an ninh giữa các cơ quan ngoại giao và an ninh, đối thoại an ninh kinh tế. Hai bên cũng xác nhận rằng các thủ tục khôi phục quy chế ưu đãi thương mại, hay còn gọi là “danh sách trắng”, của hai nước đều đang được tiến hành.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc |
Liên quan hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này để các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc và các công ty vật liệu, thiết bị hàng đầu của Nhật Bản có thể cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn vững chắc. Hai bên cũng thảo luận việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến như không gian, lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học kỹ thuật số và vật liệu tương lai.
Về vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác song phương Hàn - Nhật và ba bên Hàn - Nhật - Mỹ thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực. Hai bên cũng nhất trí phối hợp chính sách trong các kỳ hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp tới.
Củng cố đối tác ba bên
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực. Sự căng thẳng kéo dài giữa hai đồng minh Đông Bắc Á cũng khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ phải đau đầu. Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc “phá băng” quan hệ Nhật - Hàn không chỉ mở ra kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương, mà còn góp phần củng cố quan hệ đối tác an ninh ba bên Hàn - Mỹ - Nhật.
Nhưng Mỹ không phải là động lực duy nhất để hai nước láng giềng bắt tay nhau. Từ đầu năm 2023 tới nay, tình hình ở bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện những vụ thử tên lửa làm rúng động dư luận Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đẩy hai nước vào những lựa chọn khó khăn. Chính vì thế, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn tìm đến nhau để có thể chung tay giải quyết những vấn đề của mình. Những liên hệ trực tiếp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp hai bên có thể giải quyết được những vấn đề sát sườn một cách chính xác và hiệu quả hơn.