Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy núi lửa ngầm đã phun trào với lớp tro bụi dày đặc như cây nấm cao 20km kèm những tiếng nổ có thể nghe thấy ở khoảng cách 10.000km. Theo cơ quan địa chất Mỹ, núi lửa tiếp tục phun trào trong ngày 15-1 và đợt phun trào này được đánh giá tương đương trận động đất 5,8 độ richter.
Tại Tonga, ngay sau khi núi lửa tiếp tục phun trào, sóng thần cao 1,2m đã càn quét bờ biển của thủ đô Nuku’alofa. Dân số đảo quốc Tonga khoảng 105.000 người. Video được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy những con sóng lớn dạt vào bờ biển làm hư hỏng nhiều tòa nhà và một nhà thờ. Hệ thống liên lạc toàn thủ đô Nuku’alofa bị cắt đứt. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) cho biết mối đe dọa đã giảm bớt nhưng các khu vực ven biển nên giữ cảnh giác đối với các dòng chảy mạnh hoặc bất thường.
Sau vụ phun trào, các nước khu vực Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ecuador, bờ Tây nước Mỹ đã ban bố cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, chiều 16-1, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã dỡ bỏ tất cả cảnh báo và khuyến cáo về sóng thần mà cơ quan này đã ban bố.
Trước đó, theo CNN, tại Nhật Bản ghi nhận trận sóng thần cao 2,7m tại tỉnh Iwate, cao 1,5m tại quận Kominato của đảo Amami-Oshima, tỉnh Kagoshima. Còn theo cảnh báo của Cục Khí tượng Australia, người dân trên bờ cần di chuyển sâu vào đất liền khoảng 1km hoặc tới các vùng đất cao ít nhất 10m so với mực nước biển. Những ai đang hoạt động trên biển được khuyến cáo lập tức quay trở về bờ. Các nhà chức trách ở các quốc đảo Fiji và Samoa gần đó cũng đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân tránh xa bờ biển do dòng chảy mạnh và sóng nguy hiểm. Giáo sư Shane Cronin, thuộc Đại học Auckland, New Zealand, chuyên nghiên cứu về các vụ phun trào của cùng một ngọn núi lửa cho biết đợt phun trào hiện tại của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.