Biện pháp hỗ trợ sẽ bao gồm các bước nhằm tăng tiêu dùng trong nước, đảm bảo sản xuất thủy hải sản bền vững, giảm thiểu thiệt hại về mặt danh tiếng và phát triển các chiến lược tìm kiếm thị trường nước ngoài mới, cũng như đảm bảo có đủ sự đền bù nhanh chóng và kỹ lưỡng.
Ngoài số tiền 20,7 tỷ yen nói trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập 2 quỹ riêng biệt, một quỹ trị giá 30 tỷ yen (204,4 triệu USD) và quỹ còn lại 50 tỷ yen (340,7 triệu USD) để hỗ trợ ngư dân duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ đa dạng hóa các kênh xuất khẩu thủy sản để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm thủy hải sản chỉ chiếm chưa đến 1% kim ngạch thương mại toàn cầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất của Nhật Bản (chiếm 22,5% tổng kim ngạch).
Ngư dân tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản |
Bắc Kinh cấm nhập khẩu thủy hải sản từ Nhật Bản sau khi Tokyo bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương vào ngày 24-8. Đặc khu Hồng Công là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn thứ 2 của Nhật Bản (20% thị phần), cũng đã ngừng nhập khẩu thủy sản từ Fukushima và 9 tỉnh khác của Nhật Bản.
Các quan chức Nhật Bản cho biết, họ có kế hoạch thúc đẩy các điểm xuất khẩu mới tại lãnh thổ Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Trung Đông và một số nước Đông Nam Á. Lệnh cấm là một đòn giáng mạnh vào ngành thủy hải sản Nhật Bản, ảnh hưởng đến giá cả và doanh số bán các sản phẩm ở xa Fukushima cũng như hòn đảo phía Bắc Hokkaido.
Thông báo tài trợ ngành thủy hải sản của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra khi hơn 100 ngư dân và người dân địa phương sống gần Fukushima chuẩn bị đệ đơn kiện trong tuần này nhằm tìm cách ngăn chặn việc xả thải. Nhiều ngư dân Nhật Bản đã phản đối việc xả thải vì sợ rằng điều này sẽ làm mất đi nỗ lực nhiều năm nhằm cải thiện hình ảnh của ngành.
Doanh nghiệp của ông Yoshinobu Yoshihashi ở Tokyo đã giảm hơn một nửa đơn hàng xuất khẩu thủy hải sản sang các thị trường châu Á. Ông Yoshihashi cho rằng, Chính phủ Nhật Bản lẽ ra phải thông tin rộng rãi hơn nữa trên toàn cầu về sự an toàn của nguồn nước trước khi xả thải. Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách trấn an công chúng rằng thủy hải sản từ Fukushima an toàn để ăn.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã đến thăm khu vực này để ăn cá địa phương trước ống kính truyền hình. Theo các quan chức Nhật Bản, các mẫu nước biển và cá được lấy kể từ khi xả nước thải đã qua xử lý đều thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn quy định về phóng xạ.
Nhật Bản cho biết, sẽ giải thích quan điểm của mình trong các ủy ban liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về độ an toàn của thủy hải sản nước này, cũng như sẽ giải thích về sự an toàn của lượng nước xả tại các diễn đàn ngoại giao, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia và Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.