Theo Bộ Công nghiệp Nhật Bản, lần đầu tiên trong 3 thập niên, thị phần sản xuất chip toàn cầu của quốc gia này đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/10 do để lọt khách hàng vào tay các đối thủ rẻ hơn. Nhật Bản cũng mất luôn vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip tiên tiến trên thế giới. Hãng tin Reuters dẫn lời cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 5 về thực trạng ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản: “Chúng ta không thể tiếp tục những gì đã làm. Chúng ta phải làm điều gì đó ở một cấp độ hoàn toàn khác”.
Các tài liệu do Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố vào đầu năm 2021, chỉ ra khả năng thị phần chip của Nhật Bản trên thế giới bằng 0 vào năm 2030. Điều này rất đáng báo động, nhất là trong bối cảnh những công ty Nhật Bản hiện đang dẫn đầu thế giới về cung cấp chip cho các mặt hàng như tấm silicon, màng hóa chất và máy móc phục vụ sản xuất.
Các quan chức Nhật Bản sợ rằng bằng cách thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất chip khổng lồ châu Á, ví như công ty sản xuất chất bán dẫn của đảo Đài Loan Semiconductor Manufacturing (TSMC), Mỹ cũng có thể cám dỗ các công ty Nhật Bản ồ ạt vào Mỹ. Ông Kazumi Nishikawa, Giám đốc IT tại Công ty Meti, cho biết: “Các công ty Nhật Bản có thể xây dựng nhà máy sản xuất ở Nhật Bản và xuất khẩu, nhưng nếu việc này diễn ra ở Mỹ, mọi chuyện sẽ khác”. Theo ông, sự thay đổi như vậy có thể xảy ra trong dài hạn.
Trong một nỗ lực để theo kịp cuộc đua công nghệ, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hồi tháng 6 đã phê duyệt một chiến lược nhằm đảm bảo Nhật Bản có đủ chip để cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao, điều này cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, kết nối 5G tốc độ cao và xe tự lái. Một sáng kiến nữa là biến Nhật Bản thành trung tâm dữ liệu châu Á. Một trung tâm như vậy tạo ra nhu cầu lớn về chất bán dẫn, từ đó sẽ thu hút nhà sản xuất chip xây dựng các nhà máy.
Tuy nhiên, sự thành công của chính sách công nghiệp sẽ phụ thuộc vào tiền. Cho đến nay, Nhật Bản đã phân bổ 500 tỷ yen (4,5 tỷ USD) để củng cố chuỗi cung ứng công nghệ nhằm giúp các công ty đối mặt với tình trạng thiếu chip và các thành phần khác trong đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự chuyển đổi sang 5G. Số tiền này không lớn nếu so với các quốc gia khác. Lấy ví dụ ở Mỹ, thượng viện nước này đã thông qua dự luật chi 190 tỷ USD tiền công cho công nghệ mới, bao gồm 54 tỷ USD đầu tư vào sản xuất chip. Còn Liên minh châu Âu có kế hoạch chi 135 tỷ EUR (159 tỷ USD) để nuôi dưỡng nền kinh tế kỹ thuật số của khối này.
Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ thông tin và Điện tử Nhật Bản (JEITA) cho rằng, với mức hỗ trợ hiện tại, thật khó khăn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản và họ muốn có thêm nhiều ưu đãi của chính phủ.