Mang lại lợi ích chung
“Đối thoại đặc biệt Bộ trưởng Bộ Du lịch Nhật Bản và ASEAN” do Nhật Bản và Lào giữ vai trò đồng Chủ tịch, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Nhật Bản - ASEAN. Theo đó, hai bên - gồm 11 quốc gia tham gia - sẽ hợp tác để thiết lập những điểm đến du lịch bền vững, nơi cả người dân địa phương và khách du lịch đều có thể tận hưởng những lợi ích từ du lịch, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên địa phương, thiên nhiên và văn hóa.
Các bộ trưởng cũng nhất trí thúc đẩy các nỗ lực tạo cơ hội việc làm liên quan đến du lịch, chia sẻ kiến thức chuyên ngành và các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động trong ngành du lịch, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, tiến tới du lịch bền vững.
Du khách đi dạo trên phố Nakamise, quận Asakusa thuộc thành phố Tokyo. Ảnh: Reuters |
Theo Japan News, các bộ trưởng tham dự cũng tái khẳng định tầm quan trọng của ngành này trong việc đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 trên toàn cầu, đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, chẳng hạn áp dụng giao thông xanh - giao thông thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo trong lĩnh vực này.
Hạn chế tình trạng quá tải
Các bộ trưởng du lịch cũng tiến hành đối thoại với Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản.
Các bên ghi nhận tiềm năng to lớn của ngành du lịch trong khu vực cũng như tầm quan trọng của những nỗ lực phối hợp giữa ASEAN và Nhật Bản - hai trong số những điểm đến hấp dẫn và hứa hẹn nhất thế giới nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch. Theo NHK, hai bên đồng ý phát triển những trải nghiệm chất lượng cao liên quan đến các điểm tham quan thiên nhiên và văn hóa độc đáo của khu vực, khuyến khích các chuyến thăm tới các điểm đến ít được biết đến hơn và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số cho du lịch sáng tạo.
Bên cạnh thúc đẩy du lịch chung, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngăn chặn tình trạng “quá tải du lịch” (overtourism). Đồng yen yếu và lãi suất thấp cũng đang thu hút đầu tư nước ngoài. Trước đây, các công ty châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc có truyền thống dẫn đầu đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng của Nhật Bản. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty Đông Nam Á gia nhập thị trường khi nền kinh tế khu vực phát triển. Hiện các công ty nghỉ dưỡng siêu sang ở châu Á đang mở rộng sang Nhật Bản để khai thác nhu cầu từ những du khách giàu có ở nước ngoài.
Để phòng ngừa “quá tải du lịch”, Chính phủ Nhật Bản mới đây đã đưa ra nhiều biện pháp mới để đối phó với tình trạng này, bao gồm việc tăng cường phương tiện công cộng, tăng vé tàu vào giờ cao điểm và tính thuế hoặc phí khi đến thăm một số điểm du lịch nhất định.