Nhập viện mới biết bị phình động mạch chủ kích thước lớn

Động mạch chủ là động mạch dẫn máu lớn nhất trong cơ thể, có đường kính khoảng 2cm. Cơ hội cứu sống người bệnh khi phình động mạch chủ vỡ là rất mong manh.

Ekip đang can thiệp đặt stent graft phình động mạch chủ cho bệnh nhân
Ekip đang can thiệp đặt stent graft phình động mạch chủ cho bệnh nhân

Ngày 2-10, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, vừa điều trị thành công cho 2 trường hợp người bệnh nhập viện vì các bệnh lý khác, không liên quan đến phình động mạch chủ. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện tình trạng phình động mạch chủ kích thước 70mm dọa vỡ.

Trường hợp thứ nhất là bà N.T.O. (60 tuổi) nhập viện trong tình trạng người bệnh bị đa chấn thương (đầu, ngực, xương sườn, cẳng chân), tràn khí màng phổi. Kết quả siêu âm phát hiện khối phình động mạch chủ lớn 70mm.

Thông thường, với các khối phình có kích thước từ 40mm, các bác sĩ đã theo dõi sát, cân nhắc thời điểm can thiệp nhằm ngăn ngừa tình trạng vỡ phình, một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người bệnh.

Dù tai nạn giao thông đã gây ra những chấn thương nguy hiểm nhưng may mắn là khối phình của bà O. chưa vỡ. Sau khi kiểm soát tình trạng sức khỏe ổn định, bà O. được chỉ định can thiệp bán khẩn bằng phương pháp can thiệp stent graft động mạch chủ với hệ thống DSA (can thiệp mạch) hiện đại.

Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi, người bệnh được chuyển về khu điều trị nội trú, tiếp tục được theo dõi, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt hơn sau 2 ngày can thiệp.

Trường hợp thứ 2 là ông B.Q.H. (68 tuổi), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt, đau bụng, tiểu gắt. Khai thác về bệnh sử, ông H. cho biết, bản thân từng có tiền sử nhồi máu não, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Vì có các triệu chứng nguy hiểm của vùng bụng nên ông H. được chỉ định chụp CT scan vùng bụng.

Qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ phát hiện ông H. bị phình động mạch chủ với kích thước 70mm kèm phình động mạch chậu chung bên phải. Đây là một tình trạng khá nguy cấp vì khối phình có thể vỡ bất kỳ lúc nào khiến người bệnh đột tử.

Sau khi ổn định tình trạng nhiễm trùng, các bác sĩ tiến hành can thiệp bán khẩn bằng phương pháp đặt stent graft động mạch chủ và đặt stent động mạch chậu chung. Đây là phương pháp sử dụng đoạn stent graft để loại trừ đoạn động mạch bị phình, giúp giảm áp lực gây giãn phình, ngăn chặn nguy cơ vỡ phình và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch trở lại bình thường.

Quá trình can thiệp diễn ra trong 2 giờ, người bệnh vượt qua tình huống nguy hiểm và dần hồi phục sức khỏe, tinh thần ổn định.

Hình 1.png
Hình ảnh khối phình động mạch chủ của người bệnh

Theo ThS-BS Lương Công Hiếu, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi phát hiện túi phình ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chủ động trong việc theo dõi và điều trị bằng các chương trình can thiệp phù hợp, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện và hồi phục sau can thiệp, đặc biệt là trong trường hợp người bệnh có các bệnh lý khác đi kèm.

"Những trường hợp can thiệp thành công như 2 trường hợp vô tình phát hiện vừa nêu là rất may mắn, tuy nhiên cũng dễ mang đến nhiều khó khăn, rủi ro đến sức khỏe người bệnh", ThS-BS Lương Công Hiếu cho hay.

Khi túi phình động mạch chủ căng vỡ, người bệnh thường có các biểu hiện đau ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội, khó thở nhiều, da xanh nhợt, tụt huyết áp, sốc… Cơ hội cứu sống bệnh nhân khi phình động mạch chủ vỡ là rất mong manh.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người có các bệnh lý liên quan trực tiếp như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc các bệnh lý di truyền như Marfan, Elhers Danlos… nên thăm khám, điều trị kiểm soát tốt các bệnh lý nền đi kèm.

Ngoài ra, việc tiến hành các xét nghiệm hình ảnh định kỳ (siêu âm và CTA) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho người bệnh có kế hoạch điều trị tốt hơn. Can thiệp ngoại khoa chủ động đúng thời điểm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân rất nhiều so với khi can thiệp cấp cứu.

Trong trạng thái bình thường, động mạch chủ có đường kính khoảng 2cm. Khi thành mạch của động mạch chủ “yếu” do bệnh lý (xơ vữa mạch máu, nhiễm trùng, bóc tách động mạch chủ…) hoặc di truyền (hội chứng Marfan, Elhers Danlos…), động mạch chủ sẽ giãn phình dần dần dưới áp lực của dòng máu chảy qua.

Biến chứng nguy hiểm của phình động mạch chủ là vỡ phình, gây chảy máu nghiêm trọng, dẫn đến sốc, thậm chí tử vong.

Tin cùng chuyên mục