Bệnh viện quá tải bệnh nhi
Sáng 27-10, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, rất đông bệnh nhi đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, trung bình những ngày gần đây Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 4.000-6.000 bệnh nhi đến khám. Riêng bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp chiếm từ 15%-20%. Các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, hen suyễn... có khuynh hướng gia tăng. “Số lượng bệnh nhi hô hấp gia tăng trong thời điểm này mang tính chất chu kỳ hàng năm, cộng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão khiến các tỉnh miền Nam mưa nhiều, nhiệt độ giảm làm một số vi khuẩn và siêu vi phát triển, gây bệnh cho trẻ nhỏ”, bác sĩ Phạm Văn Hoàng lý giải.
Số lượng trẻ mắc bệnh tăng khiến Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng trở nên quá tải. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp cho hay, thông thường từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng mạnh và đây cũng là khoảng thời gian các y, bác sĩ phải “quay như chong chóng” để tích cực điều trị cho bệnh nhi. So sánh với số liệu của tháng 9 thì đến tháng 10, bệnh nhi đến khám các bệnh hô hấp đã tăng gấp 3 lần. Riêng tại Khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi tăng cao rõ rệt ở cả nội trú lẫn ngoại trú.
Thực tế ghi nhận tại Khoa Hô hấp, các giường bệnh đều có từ 2-3 bệnh nhi nằm ghép, trong khi đó, không ít trẻ phải nằm trên các giường xếp tạm do phụ huynh tự chế hoặc nằm hành lang. Nhập viện đã 2 ngày nhưng con gái của chị Trần Thị Hồng Loan (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vẫn chưa thể có giường bệnh, 2 mẹ con đành nằm tạm ở hành lang. Chị kể: “Con tôi được chỉ định nhập viện vào phòng 201, cũng có số giường đàng hoàng, nhưng khi đưa con vào đã có 2-3 bé nằm rồi, mình không còn chỗ, thế là đành phải đưa con ra đây”.
Người già cũng “rủ nhau” vào viện
Sau mấy ngày bị ho, mua thuốc uống nhưng không khỏi, bà Hoàng Kim Thanh (72 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) cảm thấy ngực ngày càng tức, khó thở hơn và được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Sau hơn một tuần nằm viện, bệnh của bà đã thuyên giảm nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị. Bà cho biết, bản thân mình bị suyễn mấy năm nay, mỗi lần “trái gió trở trời” là lại khó thở và phải nhập viện điều trị. Ở phòng bệnh khác, ông Trương Thuận (75 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) có tiếng thở nặng nề vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) lâu năm. Thời tiết thay đổi khiến ông thường xuyên bị ho, khó thở, đờm nhiều, nặng ngực và đành phải nhập viện.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, gần một tháng qua, đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều người lớn tuổi đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, đợt cấp của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Đây là các bệnh dễ tái phát gây khó thở do đường hô hấp xuất tiết nhiều và dễ gây nguy kịch cho người bệnh. Vì vậy, khi người cao tuổi mắc một trong các bệnh đường hô hấp, cần phải được đưa vào bệnh viện để cấp cứu khẩn trương, nếu để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo bác sĩ Ngô Thế Hoàng, thống kê của Bệnh viện Thống Nhất, số lượng người lớn tuổi đến khám và điều trị các bệnh hô hấp trong những ngày gần đây tăng khoảng 30%-50%.
“Khi thời tiết có thay đổi hoặc vào những lúc giao mùa, người cao tuổi hay trở bệnh, trong đó dễ gặp nhất là bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp. Người cao tuổi sức đề kháng yếu, dinh dưỡng kém hoặc có nhiều bệnh nền sẽ càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, trong thời điểm thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, người cao tuổi cần chú ý bảo vệ sức khỏe của mình như hạn chế ra đường, giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ giảm thấp, nhất là về đêm và sáng sớm. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không uống nước lạnh có đá, không khí luôn cần được thông thoáng. Dinh dưỡng cho người cao tuổi cần được bổ sung hợp lý, không hút thuốc lá, tập thể dục mỗi ngày. Người cao tuổi nên được tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm nhằm tăng sức đề kháng. Tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát, khi không có chỉ định. Những người cao tuổi mắc bệnh về đường hô hấp mạn tính hoặc các bệnh mạn tính khác nên khám bệnh định kỳ, để được tư vấn những điều cần thiết về bảo vệ sức khỏe khi đổi mùa”, bác sĩ Ngô Thế Hoàng khuyến cáo.
Để chủ động phòng chống bệnh cho trẻ em khi thời tiết thay đổi, phụ huynh cần lưu ý, không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột như đi nắng về ngồi máy lạnh ngay, nếu nhiệt độ giảm thấp cần giữ ấm cho trẻ. Khi đưa trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang, không chỉ phòng ngừa được các vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp mà còn ngăn được Covid-19. Chú ý giãn cách, hạn chế tập trung đông người. Khi trẻ sốt cao 2-3 ngày không giảm, ho nhiều, ăn uống kém cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng, bác sĩ Trần Anh Tuấn khuyên. |