Sáng 8-8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Y tế.
Báo cáo tại cuộc làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế là bộ đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1661/QĐ – TTg ngày 4-10-2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ.
Theo đó, bộ đã đề xuất cắt, giảm, đơn giản hóa 153 quy định, thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính 570 tỷ đồng; đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công Bộ Y tế ngày 13-11-2019 (http/dichvucong.moh.gov.vn) người dân, doanh nghiệp có thể truy cập để nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ trực tuyến trên phần mềm điện tử.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung xây dựng và hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý từ tháng 6-2020, giúp tiết kiệm tiền, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Y tế cũng thừa nhận, việc thực hành tiết kiệm của bộ chưa gắn với việc kiểm tra, giám sát; việc triển khai tại các cơ quan chưa đồng bộ; việc xây dựng các tiêu chí tiết kiệm còn khó khăn, chưa xây dựng được một bộ chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể và đầy đủ…
“Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng và triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025 chi tiết và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, các yêu cầu chống lãng phí, xác định rõ giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra”, nữ Bộ trưởng cam kết.
Cho ý kiến về báo cáo, các ý kiến thành viên đoàn giám sát chỉ rõ, báo cáo của Bộ Y tế còn mang tính liệt kê các hoạt động đã thực hiện, chưa làm nổi bật kết quả tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng lưu ý, việc giải ngân vốn đầu tư hàng năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với nguồn vốn nước ngoài (ODA), vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư công.
Tình trạng kéo dài vốn từ năm này qua năm khác chưa được giải quyết triệt để. Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, hiện nay, trong lĩnh vực y tế đang có tình trạng “nhập nhèm” giữa công và tư. Theo đó, máy móc, đất đai, tài sản của bệnh viện công là ngân sách Nhà nước đầu tư, nhưng lại sử dụng để khám dịch vụ.
“Cần nghiên cứu tách bạch giữa công và tư, rà soát và quản lý chặt chẽ hơn tình trạng khám, chữa bệnh dịch vụ tại tất cả các bệnh viện công, tránh lãng phí đầu tư công”, ông Cường nhận định.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành y tế thời gian qua như đã có hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế..., song Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Bộ Y tế làm rõ việc thất thoát, lãng phí do vốn giải ngân các dự án còn chậm; đánh giá công tác mua sắm trang thiết bị vật y tế, làm rõ câu chuyện công – tư lẫn lộn; hiệu quả thoái vốn cổ phần hóa, sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…