Nhiều nơi còn nhập nhằng giữa các khái niệm, tổ chức thu, chi không đúng theo quy định…
Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - một trong những đơn vị vừa được giám sát thu, chi các khoản đầu năm học
Không được ấn định tiền vận động quỹ phụ huynh
Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM (MTTQ) và Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), ông Chu Cao Nguyên, trưởng hội phụ huynh của trường, cho biết năm học 2017-2018, trường dự kiến thu tiền quỹ phụ huynh 250.000 đồng/học sinh/năm để hỗ trợ nhà trường thực hiện một số hoạt động trong năm học.
Tương tự, tại Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2), ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học này ngoài các khoản thu học phí, tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường dự kiến thu thêm mỗi học sinh 300.000 đồng/năm, trong đó 100.000 đồng là tiền quỹ hội phụ huynh và 200.000 đồng tiền tài trợ các công trình trong năm học. Đáng nói là tất cả khoản thu này tuy đều được các trường kêu gọi đóng góp với danh nghĩa “tự nguyện”, nhưng với việc đề ra mức thu chung, nhiều phụ huynh cho biết không thể không đóng góp.
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM, cho rằng theo quy định, trước khi vận động thu các khoản đóng góp, hội phụ huynh phải họp bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện, dự toán các khoản chi, sau đó thông tin đầy đủ, chi tiết đến tất cả phụ huynh rồi mới tiến hành vận động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các trường đang làm ngược lại, vận động thu trước rồi mới lên kế hoạch, dự toán các khoản chi.
Trước thực tế này, ông Trần Văn Tú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT), cho biết trong các đợt thanh tra trước đây vào đầu năm học, Sở GD-ĐT đã lưu ý các trường không được ấn định mức thu chung đối với việc thu quỹ hội phụ huynh. Việc thực hiện thu quỹ phải hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh có thể đóng nhiều hay ít hoặc không đóng, được ghi lại đầy đủ vào sổ theo dõi. Tất cả công trình thực hiện phải có dự toán chi trước khi vận động đóng góp, đảm bảo thu đúng, chi đủ, sau khi hoàn thành có báo cáo quyết toán rõ ràng và niêm yết công khai đến phụ huynh học sinh.
Đặc biệt, trong các buổi giám sát vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện ở nhiều đơn vị, tất cả sổ sách, chứng từ thu, chi quỹ hội phụ huynh đều do hiệu trưởng đơn vị ký, không có chữ ký của ban đại diện hội phụ huynh. Điều này theo đại diện Sở GD-ĐT là sai về mặt quy định, quỹ của hội phụ huynh phải do ban đại diện đứng ra tổ chức thu và quản lý, trường học (nếu có điều kiện về nhân lực) chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, tuyệt đối không được can thiệp vào hoạt động thu, chi của quỹ này.
Ngoài ra, ở một số đơn vị, đang có tình trạng thu riêng hai quỹ hội phụ huynh lớp và quỹ hội phụ huynh trường, tạo thêm gánh nặng về mặt chi phí cho cha mẹ học sinh. Ông Trần Văn Tú khẳng định, quỹ hội phụ huynh trường sẽ được trích từ quỹ hội phụ huynh các lớp, được thực hiện trên tinh thần tự nguyện đóng góp của cha mẹ học sinh. Việc các trường thu “quỹ chồng quỹ” là chưa đúng quy định, cần chấn chỉnh, khắc phục.
Phân biệt rạch ròi giữa quỹ vận động và quỹ tài trợ
Trước thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc vì sao trong dự toán chi các khoản đóng góp quỹ hội phụ huynh có nhiều khoản không trực tiếp phục vụ học sinh như chi phí thăm hỏi, viếng đám tang, hỗ trợ nhà trường trang bị cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp, trang bị âm thanh, ánh sáng sân khấu, quà tặng khách tham dự trong các dịp lễ, hội của nhà trường, đại diện Sở GD-ĐT cho biết do các trường còn lẫn lộn hai khái niệm quỹ vận động (thực hiện theo Thông tư 55) và quỹ tài trợ trường học (thực hiện theo Thông tư 29, đều của Bộ GD-ĐT).
Theo đó, quỹ vận động của hội phụ huynh phải được dùng 100% chi cho các hoạt động trực tiếp phục vụ học sinh. Các khoản còn lại được vận động theo hình thức tài trợ, không được “bổ đầu”, bắt buộc tất cả học sinh tham gia. Đơn cử như hiện nay tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, do trường có nhiều trang thiết bị sử dụng nguồn điện lớn nên hội phụ huynh đề xuất lắp một trạm điện riêng cho trường, thay mới toàn bộ dây điện và lắp đặt thêm hệ thống camera toàn trường, với kinh phí hơn 80 triệu đồng. “Tất cả khoản chi phí này nếu thực hiện phải lấy từ nguồn tài trợ, không được vận động tất cả phụ huynh đóng góp vì sẽ gây bức xúc”, bà Triệu Lệ Khánh bày tỏ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết nguồn lực xã hội hóa ở các trường hiện nay rất đa dạng.
“Đóng góp tiền bạc chỉ là một trong những hình thức đóng góp. Các trường có thể tận dụng nguồn lực chuyên môn của cha mẹ học sinh, như phụ huynh làm cảnh sát giao thông hỗ trợ tuyên truyền về luật giao thông, phụ huynh làm bác sĩ có thể hỗ trợ các vấn đề chăm sóc sức khỏe, phụ huynh có chuyên môn về mỹ thuật hỗ trợ trang trí trường lớp…”, ông Hiếu phân tích.
Thu tiền máy lạnh nhưng không trang bị?
Tại Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè), nhà trường đã thu tiền cải tạo cơ sở vật chất, trong đó có khoản trang bị máy lạnh, nhưng đến nay các lớp vẫn chưa được trang bị.
Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong 4 lớp triển khai mô hình tiên tiến, một lớp đã được phụ huynh tài trợ máy lạnh, 3 lớp còn lại nằm trong danh mục mua sắm tập trung nên trường chưa thể trang bị. Trước khó khăn này, ông Trần Văn Tú gợi ý thêm: “Nếu vướng danh mục mua sắm tập trung nên không trang bị kịp cơ sở vật chất thì nhà trường có thể linh động đi thuê hoặc tìm giải pháp khác, tránh việc thu xong tiền rồi để đó, chậm sử dụng, gây bức xúc trong phụ huynh và thiệt thòi cho học sinh”.