
Thị trường đầy hấp dẫn
Bộ phim Thái Lan vừa ra rạp Gấu yêu của anh là tác phẩm thứ tư mà Khang Media nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam qua nhà phát hành CGV, sau Trẻ trâu không đùa được đâu, Rider - Giao hàng cho ma và Yêu vì tiền, điên vì tình. Đại diện của Khang Media, đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh nhận định: “Lượng khán giả đến rạp đang tăng mạnh, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường phim chiếu rạp trong nước. Chính vì thế, tại Hội chợ Phim và truyền hình quốc tế Hồng Công vừa qua, nhiều đối tác quốc tế đã tiếp cận chúng tôi với mong muốn đưa phim vào Việt Nam, thậm chí họ sẵn sàng bán với giá ưu đãi”.
Nhà sản xuất (NSX) Hằng Trịnh - Giám đốc điều hành Skyline Media (đơn vị sản xuất, phát hành phim) cho biết, thị trường phim nhập khẩu đang có nhiều thuận lợi như khâu kiểm duyệt đã cởi mở hơn, điển hình là nhiều phim kinh dị trước đây rất khó ra rạp nay đã dễ dàng đến với khán giả. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều nhà nhập khẩu phim cũng góp phần khiến thị trường trở nên sôi động hơn. “Không có đơn vị nào có thể chiếm trọn thị trường. Vì vậy, chiến lược cùng làm, cùng hợp tác và chia sẻ phân khúc sẽ là hướng đi bền vững nhất", bà Hằng Trịnh nhận định.
NSƯT Vũ Thành Vinh cho rằng cơ hội luôn mở ra, ngay cả với các đơn vị mới. Theo ông, về mặt kinh doanh không nhất thiết phải dẫn đầu doanh thu mới có lợi nhuận, mà còn phụ thuộc vào giá mua phim. “Nếu mua 1, bán được 3 là có lời, còn về 2 thì hòa vốn. Chính vì thế, nhà nhập phim sẽ chủ động nhập cả những phim ngách như phim nghệ thuật, thử nghiệm… tạo nên sự đa dạng cho thị trường phim chiếu rạp trong nước”, NSƯT Vũ Thành Vinh phân tích.
Còn theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện đơn vị vừa nhập khẩu bộ phim hoạt hình Lạc trôi (Flow), thị hiếu luôn có sự chuyển dịch lớn giữa các thế hệ, vùng địa lý, nắm bắt điều này sẽ quyết định đến chiến lược mua phim. Nhiều đơn vị ưu tiên tìm kiếm phim có nội dung phù hợp thị hiếu mới, kịch bản độc đáo, gần gũi với văn hóa khu vực hoặc sở hữu lượng khán giả trung thành.
Lời ăn, lỗ chịu
Đánh giá thị trường phim nhập khẩu đang có nhiều cơ hội nhưng cũng chịu nhiều thách thức, NSX Hằng Trịnh đưa ra phân tích trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, nhập phim bom tấn luôn được xem là chiến lược an toàn, nhưng hiện nay có vẻ không còn hiệu quả. Hàng loạt phim bom tấn chiếu trong nước vừa qua đều gặp thất bại về doanh thu phòng vé, gần nhất là các phim Nàng Bạch Tuyết và Mickey 17.

Theo thông tin từ Box Office Vietnam, Mickey 17 chỉ thu được hơn 4 tỷ đồng tiền vé. Với sự nổi tiếng của tác phẩm này, giá mua (dù không được công bố cụ thể) chắc chắn không rẻ nên đơn vị nhập khẩu đã phải chịu lỗ không ít. Khía cạnh thứ hai, các công ty sở hữu hệ thống rạp lớn có lợi thế trong việc mua phim từ các studio lớn. Số lượng công ty trong và ngoài nước tham gia vào thị trường mua phim phát hành rạp ngày càng tăng, khiến giá bản quyền của một số dòng phim và quốc gia cụ thể tăng cao, dẫn đến cạnh tranh lớn. Ngân sách cho quảng bá, truyền thông cũng ngày càng cao.
Hiện nay, việc nhập khẩu phim có những hình thức cơ bản: mua đứt bán đoạn, đặt cọc để nhận phim từ các hãng và ăn chia phần trăm doanh thu. Với hình thức đặt cọc, nếu phim thua đồng nghĩa chịu mất cọc; nếu thắng, sau khi trừ các chi phí sẽ đượct tính toán, chia phần trăm cho hãng phim. Theo NSƯT Vũ Thành Vinh, hiện nhiều đơn vị còn lựa chọn hình thức mua phim theo gói để được giá ưu đãi. Tuy nhiên, hình thức này cũng có một hệ lụy là chất lượng phim trong gói thường không đồng đều, có phim hay nhưng cũng có nhiều phim chất lượng thấp, khó thu hút khán giả.
Giá nhập khẩu phim hiện nay có biên độ dao động lớn, có thể từ vài ngàn USD đến vài trăm ngàn USD, có trường hợp mức phí này có thể lên con số hàng triệu USD, phụ thuộc tầm vóc và thương hiệu của bộ phim. Theo NSƯT Vũ Thành Vinh, nhiều phim có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị nhập khẩu Việt Nam, khiến giá bán có thể tăng gấp 3-4 lần so với giá ban đầu.
“Tôi nghĩ phát hành phim nước ngoài giống như đánh một ván bài vậy, nghĩa là yếu tố may mắn sẽ rất cao. Có quá nhiều bài học của những bộ phim trước đó để chúng ta tham khảo, nhưng sự thật là sẽ không có bộ phim nào giống bộ phim nào. Vì vậy, tất cả chỉ là cách phán đoán và niềm tin vào sự lựa chọn của mình, từ đó đưa ra mức ngân sách phù hợp để có thể an toàn về đích”, NSX Hằng Trịnh cho biết.
Bộ phim đến từ điện ảnh Thái Lan 404: Chạy ngay đi là phim nhập khẩu duy nhất từng đứng đầu doanh thu phòng vé tuần tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2025. Theo Box Office Vietnam, phim đã vượt mốc 105 tỷ đồng doanh thu. Phim được đánh giá là có nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút khán giả trong nước như: ra mắt đúng giai đoạn chuẩn bị tết cổ truyền, các phim trong nước đang chờ để ra rạp dịp tết nên phim hầu như không chịu nhiều sự cạnh tranh; điện ảnh Thái Lan vốn khá quen thuộc với khán giả Việt Nam; phiên bản lồng tiếng được đánh giá là hấp dẫn, dễ tiếp cận với khán giả…