Phía EVN phản hồi rằng, việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam vào năm 2025 nhằm tăng cường khả năng đảm bảo cung ứng điện, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc.
Thực tế hiện nay, tất cả dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước chỉ tập trung ở miền Trung và miền Nam, chưa có dự án điện gió nào ở miền Bắc, trong khi nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết.
Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, phương án đấu nối về trạm biến áp 220kV Đô Lương (Nghệ An) sẽ giúp giải tỏa công suất từ dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn (Lào). Giá điện được chủ đầu tư cam kết với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình điện gió là 6,95 cents/kWh (tương đương 1.700 đồng/kWh).
Mức giá này cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện gió trong nước được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021, khi EVN mua điện với giá 9,8 cent/kWh (hơn 2.380 đồng/kWh), trong khi đây là giá FIT, có thời hạn kéo dài tới 20 năm. Còn nếu so với nguồn điện gió chuyển tiếp (hết cơ hội được hưởng giá FIT) được EVN huy động trong nước vừa qua (với giá 1.587 đồng/kWh), thì rõ ràng mức giá nhập khẩu điện từ Lào cao hơn.
Việc nhập điện gió từ Lào còn là để thực thi cam kết giữa Chính phủ hai nước. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VIII thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 5.000MW từ Lào (có thể tăng lên 8.000MW). Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000MW, sản xuất 37 tỷ kWh điện.
Nhưng quan trọng nhất là giá điện nhập khẩu từ Lào có sức cạnh tranh hơn nguồn điện gió sản xuất trong nước, nên việc nhập là bình thường trong bối cảnh EVN đang bị lỗ. Trong thị trường điện cạnh tranh, điều này hoàn toàn hợp lý.
Đồng tình với chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, song một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng EVN cần tính toán, cân đối mua điện của các dự án điện gió đã được đầu tư ở Việt Nam, nếu các dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.