Nhập khẩu công nghệ, đàm phán tiêu chí xanh cho dệt may, da giày Việt Nam

Để giúp doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam bứt phá trong cuộc đua xanh hóa, Bộ Công thương đang thúc đẩy các chương trình hỗ trợ đặc biệt từ nhập khẩu công nghệ sạch đến xây dựng thương hiệu xanh đạt chuẩn quốc tế. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở giảm phát thải mà còn tạo ra sức hút cho hàng Việt trên thị trường Mỹ và EU.

Những nội dung này đã được đại diện Bộ Công thương nêu ra tại cuộc tọa đàm về xu thế và giải pháp xanh hóa trong nhóm hàng da giày - dệt may do Bộ Công thương tổ chức ngày 28-10.

Sức ép “xanh hóa”

Theo TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công thương, ngành dệt may và da giày Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua, có sự đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 ngành này đồng thời cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn.

thao luan 3.jpeg
TS Nguyễn Văn Hội trao đổi tại cuộc tọa đàm ngày 28-10

Ông Hội nhấn mạnh, việc giảm phát thải và chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp tục xuất khẩu mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ và EU.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, việc xanh hóa chuỗi cung ứng đang trở nên cấp thiết, đặc biệt khi các thị trường lớn như EU đã ban hành nhiều quy định mới như đạo luật chống phá rừng, quy định truy xuất nguồn gốc, yêu cầu dán nhãn sinh thái.

Bà Xuân lưu ý, những đạo luật này buộc các doanh nghiệp da giày Việt Nam phải đảm bảo sản xuất thân thiện môi trường ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn nguyên liệu.

“Các nhãn hàng lớn toàn cầu không chỉ đưa ra yêu cầu về vật liệu thân thiện với môi trường mà còn áp dụng đến 10 quy tắc thiết kế để giảm phát thải từ giai đoạn ý tưởng đến sản phẩm cuối cùng. Điều này đòi hỏi ngành thời trang, da giày phải thay đổi cách tiếp cận từ khâu thiết kế đến sản xuất”, bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Bà Thanh Xuân cũng cho biết, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đã tiên phong thực hiện xanh hóa chuỗi sản xuất thông qua các chứng chỉ quốc tế như LEED – một chứng nhận được nhiều khách hàng quốc tế công nhận và là yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì các đơn hàng xuất khẩu.

det-may.jpeg
Ngành dệt may Việt Nam mỗi năm mang về hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Văn Hội khẳng định, nếu vượt qua được sức ép này, chuyển đổi thành công sang sản xuất xanh thì các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí dài hạn mà còn nâng cao nhận diện thương hiệu đối với khách hàng quốc tế. “Việc đạt được các chứng chỉ quốc tế về sản xuất bền vững, ví dụ như LEED sẽ giúp các công ty tăng sức hấp dẫn trong mắt đối tác và người tiêu dùng”, ông Hội chia sẻ.

Ba Phan Thi Thanh Xuan - Pho Chu tich kiem Tong Thu ky HH Da giay - Tui xach VN 2.jpeg
Bà Phan Thị Thanh Xuân phát biểu tại cuộc tọa đàm

Bà Xuân cũng đồng tình, việc chuyển đổi xanh là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng sản xuất minh bạch hơn. Đặc biệt, với hơn 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam có thể tận dụng xanh hóa như một lợi thế để tăng cường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Nhà nước cần tiếp sức

Để thúc đẩy quá trình xanh hóa, các chương trình công nghiệp hỗ trợ và xúc tiến thương mại quốc gia đã được triển khai nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất. Theo TS Nguyễn Văn Hội, Bộ Công thương đã đặt mục tiêu chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó chuyển đổi xanh được xác định là yêu cầu tất yếu. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là nền tảng định hướng cho toàn ngành trong thời gian tới.

Theo TS Hội, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sẽ là bước đi đầu tiên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Công thương sẽ triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ sạch, giúp giảm phát thải và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Những chương trình này bao gồm hỗ trợ nhập khẩu công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và áp dụng công nghệ xanh.

thao luan 2.jpeg
Đại diện các doanh nghiệp tham gia tọa đàm

Tại cuộc tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp cũng đề xuất, cần có giải pháp tổng thể cho toàn ngành dệt may và da giày, bao gồm cả quy định cụ thể về tiêu chí xanh, tiêu chuẩn phát thải, cũng như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Việc đàm phán với các đối tác quốc tế để xây dựng các tiêu chuẩn và yêu cầu về xanh hóa cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững cho các ngành này.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hội khẳng định, Bộ Công thương cùng các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đàm phán với các đối tác quốc tế để xây dựng bộ tiêu chí xanh, tiêu chuẩn hóa các quy định xanh hóa sản xuất, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu từ thị trường xuất khẩu như Mỹ và EU.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt trên 44 tỷ USD và da giày xuất khẩu đạt trên 28 tỷ USD. Năm 2023, các mặt hàng này có giảm nhẹ do tăng trưởng mạnh của năm 2022 và ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà giảm đã quay đầu tăng trở lại trong năm 2024 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục