Nhập gia tùy tục


EU là đối tác FTA với Việt Nam, cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. EU sẽ cho phép 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và loại bỏ thuế với gần như tất cả hàng hóa còn lại chỉ sau 7 năm.
EU sẽ cho phép 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0%
EU sẽ cho phép 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0%

EU cũng là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, trong sân chơi mới, các doanh nghiệp (DN) cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới.

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU là thị trường đầy tiềm năng và đang thay đổi do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo đó, hiện thị trường EU luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật (TBT), hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS). Không những thế, người tiêu dùng tại thị trường này cũng “khó tính” khi chỉ lựa chọn những sản phẩm đạt chỉ tiêu quốc tế, tiêu chuẩn điều kiện về lao động, đạo đức, văn hóa… Vì thế, khi đang có dịch Covid-19, những điều kiện này của thị trường EU sẽ càng khắt khe hơn. Chưa kể, còn những thay đổi về nhu cầu thị trường như tổng cầu trước mắt sẽ yếu hơn; tiêu chí lựa chọn, kiểm soát hàng hóa của người tiêu dùng có thể còn thay đổi về sau này…

Do đó, để hóa giải những thách thức và tận dụng mọi cơ hội từ EVFTA, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thách thức “cứng” về kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ… còn kèm theo rào cản “mềm” khác như vấn đề lao động, môi trường… Vì vậy, cùng với nỗ lực của các cơ quan nhà nước, DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các FTA, trong đó có EVFTA, với quan điểm xuyên suốt là luôn kèm theo thách thức bên cạnh những cơ hội đã được chúng ta chỉ ra và phân tích lâu nay.

Lưu ý thêm với DN trong nước, lãnh đạo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, khi DN Việt Nam tiến vào nhiều thị trường mới mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, thì việc tìm hiểu các thông lệ của thị trường là vấn đề rất quan trọng, bởi “nhập gia phải tùy tục” để phòng ngừa được các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế. DN cần hiểu biết về thông lệ khi thỏa thuận việc giao nhận ngoại thương, thói quen sử dụng luật sư khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng hay thói quen sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, với các thị trường đầu tàu truyền thống của EU như Hà Lan, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ (được coi là thị trường cửa ngõ để giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU), DN Việt cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại, nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, các DN cũng phải biết tận dụng những thị trường ngách phù hợp với năng lực của mình và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, được coi là “cánh cửa” để hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU.

Tin cùng chuyên mục