Không chủ quan, lơ là
Nhằm từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 40 diễn ra hôm 16-4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại DN (theo Quyết định 1203/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM về ban hành bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus Corona tại DN trên địa bàn). Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng thẩm định kết quả đánh giá, xác nhận an toàn với dịch thì cho phép hoạt động.
Để thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc yêu cầu giảm thiểu rủi ro lây nhiễm ở DN, trước đó, Thường trực Thành ủy TPHCM cũng chỉ đạo bí thư các quận ủy - huyện ủy phải chỉ đạo, giám sát UBND quận huyện và phường xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra kết quả tự đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm của DN trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra việc chính quyền thẩm định các chỉ số đánh giá, từ đó chỉ đạo UBND các cấp yêu cầu DN hoàn thiện điều kiện (làm việc, đưa đón công nhân…) đảm bảo an toàn với dịch Covid-19. Trường hợp không khắc phục được thì DN bắt buộc phải tạm dừng hoạt động.
Liên quan đến nhiệm vụ này, tại quận 9, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo Thường trực UBND quận khẩn trương làm việc với các DN thẩm định lại kết quả đánh giá rủi ro lây nhiễm. Việc kiểm tra được đặc biệt chú ý ở những DN có trên 100 lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy làm việc trực tiếp với Công ty Thành Phố Xanh có trên 1.000 lao động và yêu cầu giảm số lượng công nhân đang làm việc tại dự án ở quận, nhằm đảm bảo tốt yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, Quận ủy quận 7 cũng thường xuyên chỉ đạo UBND quận kiểm tra các DN sản xuất trên địa bàn thực hiện những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Đồng chí Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, cho biết từ việc kiểm tra kết quả tự đánh giá, quận đã yêu cầu các DN điều chỉnh cụ thể, như yêu cầu Công ty May Nhà Bè (có 1.500 công nhân làm việc tại quận) thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an toàn với dịch bệnh khi hoạt động sản xuất.
Giám sát giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm
Liên quan đến nhiệm vụ giám sát, đồng chí Trần Văn Thuận, Bí thư Quận ủy quận 2, khẳng định: “Ban Thường vụ Quận ủy yêu cầu UBND quận lập tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng. Tổ phải thường xuyên báo cáo kết quả giám sát trước Thường trực Quận ủy và chịu trách nhiệm trước Quận ủy, UBND quận”.
Theo đồng chí Trần Văn Thuận, Quận ủy quận 2 đã chỉ đạo UBND quận yêu cầu DN ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như yêu cầu các DN sản xuất đánh giá rủi ro lây nhiễm. Trong số 411 DN đăng ký sản xuất trên địa bàn, trừ 308 DN đã tạm ngừng, đóng cửa không hoạt động, thì 103 DN đang hoạt động đã tự đánh giá. Kết quả: 69 DN có chỉ số rủi ro lây nhiễm virus Corona (CRLN) dưới 10% (thuộc nhóm rất ít rủi ro, được hoạt động) và 34 DN có chỉ số CRLN dưới 30% (rủi ro lây nhiễm thấp, có thể được hoạt động kèm điều kiện không có chỉ số thành phần là 7 điểm trở lên). Sau đó, tổ thẩm định của quận kiểm tra và yêu cầu các DN thuộc nhóm rủi ro lây nhiễm thấp khắc phục một số hạn chế của các chỉ số thành phần, như giảm mật độ công nhân làm việc ở các phân xưởng, giãn khoảng cách công nhân tại nhà ăn.
Là địa bàn có số lượng công nhân lao động, các DN sản xuất đông, Ban Thường vụ Quận ủy quận Thủ Đức cũng sớm chỉ đạo UBND quận tổ chức ký cam kết với DN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; đồng thời triển khai đánh giá rủi ro lây nhiễm trong các DN sản xuất. Trong đó, UBND quận được yêu cầu tổ chức kiểm tra các DN có từ 100 lao động trở lên và phân cấp UBND các phường ký cam kết, kiểm tra việc tự đánh giá của DN có từ 10 đến dưới 100 lao động.
Trong những ngày qua, UBND quận và các phường đã tổ chức các đoàn liên ngành để thẩm định lại kết quả tự đánh giá của DN. Đoàn thực hiện kiểm tra vào nhiều thời điểm, như lúc vào ca/tan ca, lúc hoạt động sản xuất, lúc công nhân ăn uống, cũng như việc công nhân thực hiện các biện pháp rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức, để giám sát, Quận ủy còn phân công thành viên cấp ủy tham gia kiểm tra, đồng thời nghe báo cáo kết quả thực hiện hàng ngày để điều chỉnh, rút kinh nghiệm, nhằm đảo bảo kết quả đánh giá chỉ số CRLN được chính xác, góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
* Đồng chí NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức: Kinh nghiệm quan trọng cho giai đoạn bình thường mới Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus Corona tại DN rất chi tiết và lượng hóa các chỉ tiêu thành phần cụ thể. Điều này giúp các DN dễ dàng nhận biết và tự xây dựng, thực hiện theo các tiêu chí an toàn với dịch bệnh. Bộ tiêu chí cũng rất có ý nghĩa đối với việc kiểm tra giám sát của chính quyền cũng như sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, nhằm đảm bảo các DN an toàn với dịch Covid-19 khi hoạt động sản xuất. Khi từng ngành nghề, từng lĩnh vực đều có bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh (như bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm trong DN sản xuất) sẽ giúp việc đánh giá điều kiện hoạt động tại từng cơ quan, đơn vị được chính xác. Trên cơ sở đó, cấp ủy - mà trực tiếp là cơ quan quản lý nhà nước - có cơ sở rà soát, kiểm tra về sự an toàn với dịch Covid-19 đối với từng loại hình, ngành nghề cụ thể. Thông qua việc tổ chức ký cam kết, yêu cầu các DN sản xuất đánh giá rủi ro lây nhiễm, cũng như việc kiểm tra của chính quyền và hoạt động giám sát của cấp ủy đang thực hiện, sẽ là những kinh nghiệm rất quan trọng để bước vào giai đoạn bình thường mới sắp tới. Ngoài việc kiểm tra kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở các DN sản xuất, quận còn chủ động phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) kiểm tra các DN trên địa bàn, hướng dẫn DN thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Hiện nay, bên cạnh việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Quận ủy cũng chỉ đạo chính quyền các cấp của quận chủ động cho giai đoạn bình thường mới. Đó là việc tổ chức kiểm tra các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh như việc bố trí khu vực rửa tay, nước khử khuẩn trong các trường học, tập huấn cho giáo viên về các biện pháp an toàn với dịch bệnh để tập huấn lại cho học sinh. Việc này nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa trường học trở lại. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, quận sẽ thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn với dịch Covid-19 theo các tiêu chí chung. Tuy vậy, Quận ủy giao UBND quận chủ động khảo sát, nắm tình hình trước, nhất là ở nhà hàng, quán ăn, siêu thị lớn để nghiên cứu thêm về việc thực hiện giãn cách, như bố trí ghế ngồi ăn về một hướng (thay vì ngồi đối diện) trong các quán ăn, nhà hàng; mở số điện thoại nhận lịch hẹn giải quyết công việc cho người dân, hoặc đến nhà người dân nhận hồ sơ hành chính… |