Xử lý cán bộ vi phạm trong vụ Thủ Thiêm
Tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, đại biểu (ĐB) Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị HĐND TPHCM phải nhập cuộc, cùng tham gia giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
Để tạo điều kiện cho ĐB nắm bắt sự việc, ĐB Khuê mong muốn TPHCM tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt và mở rộng thành phần là các ĐB HĐND TP để thông tin rõ ràng về những vấn đề Thủ Thiêm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.
“Các ĐB HĐND TP cũng cần tạo điều kiện tiếp cận kết luận này một cách đầy đủ nhất”, ĐB Khuê kiến nghị và giải thích, các ĐB HĐND TP phải có trách nhiệm giám sát các chính sách liên quan, trong khi đó, Thủ Thiêm hiện nay là vấn đề "nóng" của TPHCM.
Trên cương vị là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, ĐB Khuê khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và xin ý về việc tổ chức họp báo công khai các vấn đề này để cử tri, người dân được rõ. Việc công khai vừa thể hiện rõ thiện chí tích cực của TPHCM trong việc khắc phục, hạn chế các thiếu sót; đồng thời khẳng định lại việc TPHCM luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân trong vùng bị thu hồi đất, phải di dời.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cũng đề nghị cần công khai lộ trình thực hiện kết luận thanh tra cũng như một số vấn đề khác có thể công khai.
“Tôi đề nghị, việc gì Thanh tra Chính phủ đã khẳng định là sai, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân thì xử lý trước. Những việc khác, như xử lý cán bộ sai phạm cũng rất cần nhưng trước mắt là giải quyết quyền lợi cho người dân, như khu vực nhà tạm cư đến nay đã xuống cấp quá rồi”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.
Cùng liên quan đến Thủ Thiêm, trong phần trình bày vấn đề cử tri kiến nghị vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, cử tri mong muốn chính quyền TP khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần gắn với giải quyết các khiếu kiện của các hộ dân liên quan hợp tình, hợp lý và đúng quy định.
Sáng cùng ngày, phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm là một trong những công việc trọng tâm sẽ được thực hiện từ nay đến cuối năm 2019.
Cụ thể, đồng chí yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 1037/KL-TTTP ngày 26-6-2019 của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm và xử lý theo quy định đối với cán bộ, công chức có vi phạm trong quản lý nhà nước.
Cùng đó là chỉ đạo UBND quận 2 tiếp tục đối thoại với các hộ dân có nhà, đất trong phạm vi 4,39ha phường Bình An (đã được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch - PV) về chính sách hỗ trợ; hoàn chỉnh phương án chính sách hỗ trợ, tái định cư để UBND TP trình HĐND TP trong tháng 7-2019.
“UBND TP giải quyết khiếu nại của các hộ dân tại 5 khu phố của phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh theo quy định của pháp luật”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ. |
Nghĩ được hợp thức hóa nên xây dựng không phép?
Trong buổi thảo luận chiều 11-7, các ĐB HĐND TPHCM bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc trong xã hội.
Đề cập đến tình hình tội phạm, ĐB Cao Thanh Bình nhận xét, tình hình tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng trở lại; tội phạm về công nghệ thông tin, lừa đảo thông qua việc làm giả các giấy tờ của cơ quan nhà nước ngày càng tinh vi, phức tạp, cần tiếp tục có những giải pháp mạnh để kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả hơn.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Võ Văn Tân (huyện Củ Chi), bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm ma túy gia tăng. Gần đây, TPHCM bắt rất nhiều vụ án ma túy với khối lượng lên đến hàng trăm kg, thậm chí đơn vị tính bằng tấn. Trong khi đó, mỗi ai vướng vào ma túy thì rất khó điều trị.
“Khi đã dùng ma túy thì cha mẹ, người thân họ cũng giết thì với người ngoài có là “nghĩa địa gì”, ĐB Tân phân tích và cho rằng, điều này gây nhiều bất an cho người dân. Do đó, các cơ quan chức năng của TP cần có giải pháp kiểm soát, quản lý hiệu quả hơn.
Trong khi đó, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa (quận 11) nêu quan tâm về tình trạng vi phạm xây dựng phổ biến và đặt vấn đề vì sao người dân biết sai nhưng vẫn cố tình xây dựng sai phép, xây dựng không phép?
“Để xảy ra tình trạng này, phải chăng là công tác quản lý, quy hoạch có vấn đề?”, ĐB Nghĩa thắc mắc. |
Tham gia thảo luận về vấn đề này, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê lo ngại: “Nếu không có giải pháp đúng mức, không có sự quyết tâm cao cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các quận - huyện với các sở - ngành, tôi e rằng tình trạng này sẽ không dừng lại mà tiếp tục nảy sinh những vấn đề mới”.
Theo ĐB Khuê, TPHCM thu hút một số lượng lớn người lao động từ các nơi khác đến gắn bó, làm việc và đóng góp vào sự phát triển của TPHCM. Đi liền đó là nhu cầu về nhà ở. Do đó, vấn đề là làm sao quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định.
ĐB Khuê cũng đặt vấn đề về việc tuyển dụng lực lượng thanh tra xây dựng ồ ạt, không đảm bảo năng lực chuyên môn, am hiểu quy định pháp luật và thiếu sự sẻ chia với người dân. Mặc khác cũng không loại trừ việc cán bộ này thỏa hiệp, tiếp tay cho sai phạm.
Từ đó, ĐB Khuê đề nghị rà soát cơ chế trong quản lý, giám sát đối với các quận - huyện có phức tạp về tình trạng không phép, sai phép.
Đáp lại sự quan tâm của các ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đồng tình với nhận định cho rằng nhu cầu nhà ở cao của người dân và TPHCM cần chung sức giải quyết nhu cầu này.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận tình trạng vi phạm xây dựng, đặc biệt là việc phân lô bán nền, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Tình trạng đầu nậu thu gom đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép và phân lô, xây dựng trái phép gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều người dân cứ nghĩ trước sau gì cũng được hợp thức hóa nhưng thực tế, những nơi này làm phá vỡ quy hoạch, hình thành những khu dân cư không đủ hạ tầng, như ở huyện Hóc Môn và nơi này đang tập trung khắc phục.
“Dư luận còn đặt vấn đề về sự tiếp tay của cán bộ để hình thành các khu vực xây dựng trái phép quy mô”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phân tích và yêu cầu các quận - huyện phải rà soát, đánh giá tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là phải xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay đối với vi phạm xây dựng.
Tình hình ma túy tăng ở 12 quận, huyện Chia sẻ bức xúc của các ĐB về tình hình tội phạm, ĐB Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM, khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2019, các vụ trọng án như giết người, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo trên địa bàn TP đã được kéo giảm từ 5-10%. Trong thời gian này, toàn TP xảy ra 1.910 vụ phạm pháp hình sự (giảm 94 vụ). Tỷ lệ khám phá án 76%, bắt 1.641 đối tượng, triệt xóa 226 băng nhóm tội phạm, bắt trên 600 tên. Ngoài ra, tại nạn giao thông giảm cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương). Trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, Công an TPHCM đã phát hiện và bắt hơn 910 vụ với khoảng 1.890 đối tượng (đã khởi tố 799 vụ, 1.027 bị can), thu giữ trên 315 kg heroin và trên 1.165 kg ma túy tổng hợp. Trong đó có 2 vụ người nước ngoài vận chuyển ma tuý từ nước ngoài qua khu vực miền Trung, Tây Nguyên vào TPHCM để trung chuyển qua nước thứ 3 tiêu thụ, trong đó 1 vụ 300kg heroin và 1,1 tấn ma tuý tổng hợp. Hiện địa bàn TPHCM có 24.150 người nghiện có hồ sơ quản lý (10.750 người ở cộng đồng), tăng 280 người so với cùng kỳ năm 2018. Trong số 24 quận, huyện thì có 12 quận, huyện có tình hình ma tuý tăng. Hiện nay, Bộ Công an có đợt cao điểm triển khai tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy tại vùng biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia và các tỉnh biên giới… Công an TP cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các tỉnh biên giới để ngăn chặn ma túy đưa vào TPHCM rồi trung chuyển qua nước thứ 3. Cùng đó là giải pháp giải quyết các tụ điểm phức tạp về ma túy, giải quyết tốt người nghiện để giảm số nhu cầu sử dụng ma túy trên địa bàn TPHCM. |