Tương lai ngành hàng không
Quốc hội “đảo quốc Sư tử” vừa thông qua luật cho phép đi lại không cần hộ chiếu, có hiệu lực sớm nhất là vào nửa đầu năm 2024. Theo Bộ trưởng Truyền thông Singapore Josephine Teo: “Singapore sẽ là một trong số ít quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng quy trình nhập cảnh tự động, không cần hộ chiếu”.
Theo kế hoạch, dữ liệu sinh trắc học của hành khách sẽ được sử dụng để tạo ra một mã xác thực duy nhất được sử dụng tại các điểm tiếp xúc tự động khác nhau trên toàn sân bay, gồm gửi hành lý, làm thủ tục nhập cảnh và lên máy bay. “Điều này sẽ làm giảm yêu cầu hành khách phải liên tục xuất trình giấy tờ thông hành tại các điểm tiếp xúc, cho phép xử lý thông quan liền mạch và thuận tiện hơn”, bà Josephine Teo cho hay.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được sử dụng rộng rãi |
Changi không phải là sân bay duy nhất loại bỏ hộ chiếu. Những người đi qua nhà ga số 3 sân bay Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất từ tháng 11 tới cũng có thể làm thủ tục chuyến bay, an ninh và lên máy bay mà không cần xuất trình hộ chiếu. Giới quan sát nhận định, việc vận chuyển liền mạch đang được ưa chuộng trên thế giới và công nghệ nhận dạng sinh trắc học có thể sớm trở thành tương lai của ngành vận tải hàng không.
Tháng 7 vừa qua, Diễn đàn Du lịch và Giao thông Australia (TFF) đã kêu gọi chính phủ 2 nước Australia và New Zealand thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để phát triển một đường biên giới liền mạch. TFF đề xuất những cải cách cho việc đi lại giữa 2 nước gồm: sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để loại bỏ việc xuất trình thẻ lên máy bay và hộ chiếu, giúp đẩy nhanh quá trình thông quan.
Trên thực tế, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng ở một số mức độ khác nhau tại nhiều sân bay trên thế giới như: Narita, Haneda ở Tokyo (Nhật Bản), Heathrow ở London (Anh), Charles de Gaulle ở Paris (Pháp)… Ở Mỹ, các hãng hàng không như American Airlines, United Airlines và Delta Airlines đã thử nghiệm dịch vụ làm thủ tục sinh trắc học trong vài năm qua.
Rủi ro tiềm ẩn
Liên quan đến quyền riêng tư và an ninh mạng, bà Josephine Teo cho biết, chỉ có các công ty Singapore mới có thể đảm nhận các dự án công nghệ thông tin liên quan đến Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (ICA). Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ bị ràng buộc bởi một thỏa thuận và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm. Đối với các chuyến bay khởi hành theo hình thức thông quan bằng sinh trắc học từ sân bay Changi, tập đoàn sân bay Changi sẽ phải chia sẻ dữ liệu với ICA.
Dữ liệu của hành khách sẽ được mã hóa và đi qua các cổng trao đổi dữ liệu được bảo mật. Chỉ khi có sự chấp thuận của Bộ trưởng Nội vụ Singapore, việc yêu cầu truy cập và tiết lộ dữ liệu cho các mục đích giới hạn được nêu trong Đạo luật Di trú của Singapore, mới được thực hiện.
Tuy nhiên, Giáo sư Katina Michael của Trường Công nghệ thông tin và máy tính thuộc Đại học Wollongong (Australia) cho rằng, hành khách vẫn có thể gặp những rủi ro về dữ liệu nhạy cảm chỉ vì sự tiện lợi. “Dữ liệu sinh trắc học (mắt, dấu vân tay, khuôn mặt) được mã hóa khi lưu trữ để mọi người không thể xâm nhập. Thế nhưng, chúng tôi đã từng gặp phải các vụ đột nhập đánh cắp dữ liệu sinh trắc học”, bà Michael nói. Theo giáo sư, khả năng dữ liệu sinh trắc học sau đó được bán trên các trang web đen hoặc được sử dụng để tạo ra các bản deepfake (một loại kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật) là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng đây không phải là mối quan tâm duy nhất của Giáo sư Michael. “Sẽ có trường hợp các dữ liệu quét không thành công và sau đó chuyện gì sẽ xảy ra? Ai đó có thể bị thẩm vấn, nhưng họ thực sự không thể chứng minh danh tính của mình nếu không mang theo giấy tờ”, bà Michael nói. Giáo sư Michael cảnh báo không nên loại bỏ hoàn toàn hộ chiếu vật lý. “Không vấn đề gì nếu muốn sử dụng sinh trắc học, nhưng các nhà chức trách cũng nên trao cho cá nhân quyền chứng minh họ là ai thông qua tài liệu nhận dạng vật lý của họ”, bà Michael lưu ý.