“Sáng ngày 2-8-2021 vợ chồng tôi đi tiêm vaccine Covid-19 thuộc đối tượng trên 65 tuổi tại địa điểm phía sau siêu thị Gigamall khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, do Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức tiêm. Tôi và vợ được bác sĩ tiêm loại vaccine AstraZeneca. Thế nhưng tài liệu chứng nhận tiêm chủng lưu trên hệ thống của ngành y tế lại ghi Moderna.
Theo quy định của Bộ Y tế: “Những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các loại vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca”.
Nếu tôi không phát hiện sớm thì đến khi tiêm mũi 2 bác sĩ sẽ căn cứ thông báo Chứng nhận tiêm chủng trên để dùng vaccine Moderna tiêm cho tôi thì hậu quả sẽ ra sao? Sau khi tôi phản ánh lên Giám đốc Sở Y tế TPHCM và Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức thì nhận được ý kiến trả lời của Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, theo đó ông giám đốc nói rằng: bên bệnh viện chỉ tiêm, còn cập nhật dữ liệu do bên Thành đoàn TP Thủ Đức phụ trách. Người cập nhật dữ liệu của Thành đoàn lại nói rằng: do bác sĩ tiêm không báo loại vaccine nên bộ phận nhập dữ liệu vẫn cập nhật Moderna.
Với hai ý kiến giải trình này tôi nhận định có thể còn sai sót với nhiều người chứ không riêng gì vợ chồng chúng tôi. Mới đây một người cạnh nhà tôi cũng phát hiện sai sót như thế. Đến nay dữ liệu của vợ chồng tôi đã được chỉnh sửa đúng như vaccine đã tiêm là AstraZeneca. Tuy nhiên tôi muốn nhắn gửi đến những ai chưa tiêm vaccine Covid-19 thì hãy tìm hiểu quy định của Bộ Y tế, những ai đã tiêm mũi 1 thì giữ giấy xác nhận để khi tiêm mũi 2, đối chiếu xem loại vaccine có phù hợp với quy định không? Nếu không đúng thì yêu cầu bác sĩ đổi loại phù hợp.
Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc cho kiểm tra trên diện rộng để tránh sai sót về loại vaccine đã tiêm, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân”.
Ngược lại, một công dân nước ngoài tại quận 4 được tiêm vaccine Moderna, nhưng giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử lại ghi là AstraZeneca. Vì người nước ngoài, ông bối rối nhưng không biết phản ánh với cơ quan nào.
Sự nhầm lẫn trên, không chỉ gây sai sót cho công tác thống kê mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe khi người dân tiêm vaccine mũi 2. Bởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, người đã tiêm mũi 1 là vaccine nào thì tốt nhất mũi 2 tiêm vaccine đó. Hiện chỉ có thể phối hợp mũi 1 vaccine AstraZeneca với mũi 2 vaccine Pfizer, nếu thiếu nguồn cung và được người dân đồng ý. Nhưng đó chưa phải sai sót duy nhất.
Ngày 22-6, tại sân bay Tân Sơn Nhất, 1 trường hợp bị tiêm đến 2 mũi vaccine AstraZeneca. Ngày 15-8, tại quận Gò Vấp, 1 người khác cũng nhận 2 mũi tiêm vaccine của Sinopharm chỉ cách nhau vài phút. May mắn họ đều an toàn.
TPHCM hiện có công suất tiêm lớn nhất nước, từ 200.000 đến 250.000 liều/ngày với 1.200 đội tiêm. Đó là sự nỗ lực vượt bậc của toàn thành phố. Quyết tâm càng cao, áp lực càng lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà chấp nhận sai sót trong quy trình, nhất là liên quan an nguy của người dân.
Ngay từ tháng 6, giới chuyên gia TPHCM đã từng cảnh báo, cần xem lại quy trình để không tái diễn việc tiêm nhầm 2 mũi vaccine. Nhưng đến nay, các sự cố dù lớn, dù nhỏ, đều do sự lỏng lẻo. Theo quy định của Bộ Y tế, điểm tiêm phải phân luồng 1 chiều, người dân sau khi tiêm sẽ đi thẳng đến khu vực theo dõi sau tiêm và cấp giấy chứng nhận (không đi vòng lại để tránh nguy cơ lây nhiễm). Nếu công tác tổ chức được chu đáo, khoa học, các nhân viên y tế làm đúng và giám sát tốt, chắc chắn rất khó xảy ra chuyện tiêm thêm liều hay nhập nhầm tên vaccine.