3 nữ công nhân còn rất trẻ (cùng quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã từ dải phân cách ở giữa tuyến cao tốc chạy băng qua làn bên thì bị xe khách tông phải, 2 người tử vong, người còn lại bị thương nặng.
Tại đoạn đường này, hàng ngày vào đầu giờ sáng lúc đi làm và cuối giờ chiều lúc tan tầm vẫn thường có hàng trăm công nhân liều lĩnh chạy băng qua đường cao tốc như vậy, mặc dù biết việc này là nguy hiểm và tại đây đã có nhiều biển cảnh báo cấm băng qua đường.
Hồi tháng 7-2019, ngay tại đoạn cao tốc này, sau giờ tan ca đêm cũng đã có một nữ công nhân tử vong khi chạy băng qua đường cao tốc để trở về nhà trọ.
Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa bàn huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) dài khoảng 18km mà chỉ 6 tháng qua đã xảy ra đến 12 vụ TNGT, làm 13 người chết, 9 người bị thương. Phần lớn nạn nhân là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Để đi bộ từ khu nhà trọ bên đường đến công ty làm việc bằng cách qua hầm chui dân sinh phải mất đến 30 phút, trong khi đó băng qua cao tốc chỉ khoảng chục phút, quãng thời gian ngắn, lại chỉ phải đi bộ, không cần mang theo xe máy, nên nhiều công nhân đã chọn cách này dù biết là nguy hiểm (ảnh).
Ven cao tốc này có 5 khu công nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh khác, với hàng vạn lượt công nhân đi làm mỗi ngày. Ngoài ra còn một lượng lớn người dân đi lại thường xuyên.
Thế nhưng hạ tầng giao thông lại đang có những bất cập: đường gom dân sinh quá tải, thường xuyên tắc nghẽn, không có điện chiếu sáng; hầm chui nhỏ, tối, mưa là ngập đến đầu gối. Nhiều công nhân ở các tỉnh miền núi về đây làm, chưa có đủ điều kiện mua xe máy, thường đi bộ đi làm.
Vì vậy, không ít người chọn giải pháp liều mình băng qua cao tốc. Người tham gia giao thông nói chung, công nhân nói riêng cần nâng cao ý thức, tuyệt đối chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đừng vì nhanh một chút mà chậm cả đời.