Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước giảm 14,34% so với năm 2020. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 10,63% so cùng kỳ. Để thúc đẩy phục hồi nhanh các ngành kinh tế, năm 2022, Sở Công thương sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Trong đó, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp thuộc Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy phát triển xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số,...). Trọng tâm là phát triển dịch vụ logistics, cung cấp dịch vụ tài chính, đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển một số sản phẩm có lợi thế của thành phố thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng đến việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Công thương triển khai ngay kế hoạch năm 2022 đã được UBND thành phố phê duyệt nhằm nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đánh giá lại tác động của các chương trình, gói hỗ trợ kích cầu thời gian qua, từ đó hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp; tránh trường hợp đề ra nhiều chương trình hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được.