Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 31-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại hội trường |
Là người mở đầu phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng nay, 31-5, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023; nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, ông cũng lo lắng về một số hạn chế đã bộ lộ rõ, đặc biệt là hạn chế về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
“Vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, nó còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư”, ông Trần Quốc Tuấn trăn trở.
Quang cảnh nghị trường sáng 31-5 |
Theo ĐB, bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy bao gồm 2 loại.
Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng.
Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.
"Cần ưu tiên xử lý nhóm thứ nhất", ĐB nói. Giải pháp cấp thiết, cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ này bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ĐB đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn… để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
“Nhân dân và cử tri trông đợi vào đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế”, ĐB Đặng Xuân Phương (Nghệ An) nhấn mạnh. Có cùng mối quan tâm đến yêu cầu cấp thiết là vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; ĐB Đặng Xuân Phương mong muốn bộ máy quản lý Nhà nước cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong thực thi các chính sách kinh tế - xã hội.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) |
Trong khi đó, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhấn mạnh yêu cầu rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để kịp thời bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Phân tích những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, ĐB bày tỏ đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra; đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời.
“Biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...”, bà Ma Thị Thuý phát biểu.
ĐB cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm trong việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…