Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng, chống dịch để mở cửa an toàn.
Chiều 25-12, Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” đã diễn ra phiên toàn thể.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự từ đầu cầu Văn phòng Chính phủ.
Hội thảo cũng có sự tham dự của lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước; lãnh đạo một số địa phương trong cả nước…
Các đại biểu tham dự hội thảo Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên toàn thể hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” Nhất trí với các ý kiến tham luận, thảo luận tại phiên chuyên đề sáng 25-12, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng, chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam... "Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.
Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch, tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước những khó khăn của ngành du lịch trong thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành kịp thời đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch phần nào duy trì, cầm cự hoạt động, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VHTT-DL cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận, từ khi chính sách được ban hành tới khi thực thi vẫn còn khoảng cách xa, những vướng mắc về quy trình, thủ tục, hướng dẫn thiếu cụ thể… dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách chưa đạt yêu cầu, nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách; một số chính sách như miễn, giảm thuế, tiền điện... áp dụng vào thời điểm giãn cách xã hội, doanh nghiệp đóng cửa không có khách, không có doanh thu, không có lợi nhuận, không phát sinh tiền điện... nên cũng giảm ý nghĩa của chính sách.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động thì việc xác định đúng đối tượng gặp không ít khó khăn, rào cản về thủ tục; chính sách miễn, giảm lãi suất đưa doanh nghiệp vào thế khó khi xếp vào nhóm nợ xấu nên khó thực thi; hơn nữa do đặc thù doanh nghiệp lữ hành là dịch vụ trung gian thu hộ chi hộ nên không có tài sản thế chấp, thường bị xếp vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao nên khó tiếp cận nguồn vốn vay...
Nhằm khắc phục sớm, nhanh, bền vững, lãnh đạo Bộ VHTT-DL đề xuất ưu tiên du lịch trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; phát triển kinh tế, phát triển du lịch nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Để thực hiện phục hồi doanh nghiệp, lực lượng doanh nghiệp và người dân vẫn là lực lượng chủ công. Các doanh nghiệp cần xây dựng các gói sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của khách du lịch; giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên…
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch trong và ngoài nước…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng: Kiến nghị cho phép TPHCM được chính thức áp dụng cơ chế đặc thù Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM. Trong giai đoạn 2013-2019, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Thành phố dao động từ 10-12%, cao gấp đôi tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GDP trung bình của Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Thành phố chiếm hơn 50% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch nội địa chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước. Với ý nghĩa này, việc khôi phục hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành du lịch mà còn giúp nhiều ngành khác phục hồi, đặc biệt là chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Song song với việc tham gia phòng chống dịch bệnh, TPHCM cũng liên tục chuẩn bị cho việc tổ chức lại các hoạt động du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, ngành du lịch TPHCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch bằng việc hoàn thiện và vận hành website quảng bá du lịch, hoàn thiện và vận hành phần mềm (app) du lịch TPHCM, hoàn thiện giai đoạn 1 của ứng dụng du lịch ảo 3D/3600; thống kê, đánh giá và công bố 366 tài nguyên du lịch trên địa bàn TPHCM… Đặc biệt, lần đầu tiên TPHCM tổ chức Tuần lễ Du lịch TPHCM từ ngày 24 đến 31-12-2021 với nhiều hoạt động có sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp bằng các sản phẩm dịch vụ; ra mắt 7 chương trình du lịch mới hấp dẫn, kết nối các quận, huyện và TP Thủ Đức, khai thác thế mạnh của từng địa phương… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng tại điểm cầu TPHCM Để du lịch Thành phố có thể hồi phục nhanh hơn, làm động lực để phục hồi hoạt động du lịch của cả nước, TPHCM kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét một số kiến nghị của Thành phố. Cụ thể, cho phép Thành phố được chính thức áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 sau thời gian thí điểm để tiếp tục triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của TPHCM. Tiếp đến, Trung ương cần sớm triển khai hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào thực tế; đồng thời có kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại một số tỉnh thành trong cả nước. Về phía Bộ VHTT-DL, cần phối hợp Bộ Y tế ban hành quy trình, quy định, hướng dẫn xử lý khi có du khách mắc Covid-19 trong hoạt động du lịch nhằm thống nhất phương án xử lý trong cả nước, tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động du lịch được thuận lợi. Thêm nữa, chấp thuận cho TPHCM được đón khách quốc tế trong thời gian sớm nhất theo đề xuất của Thành phố. Về phía Bộ Tài chính, TPHCM kiến nghị xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021… |
MAI AN - THI HỒNG