Lũ cuốn trôi nhiều người
Ở Nghệ An, ông Lô Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, cho biết, xã có 2 người bị nước cuốn trôi, tử vong trong khi đi vớt củi trên sông Quàng, là ông Lô Văn L. (59 tuổi) và con trai Lô Văn T. (34 tuổi, trú bản Pún, xã Cắm Muộn). Lũ lớn cũng làm 1 người tử vong, 1 người bị thương tại xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) khi đang bảo vệ ao nuôi cá.
Tại Quảng Bình, ngập lụt diễn ra diện rộng trên các lưu vực dòng Kiến Giang, Nhật Lệ, sông Son, sông Gianh. Vùng ngập nặng nhất là thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), chợ Phong Nha ngập sâu 1,5m, trong khi nhà dân dọc sông có nơi ngập gần hết tầng 1. Nước lũ cũng đã cuốn trôi ông Nguyễn Văn T. và anh Hồ Văn S. (cùng ở huyện Quảng Ninh). Ở Quảng Trị, anh Hồ Văn D. (21 tuổi, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) bị nước cuốn khi đi qua cầu tràn thôn Ly Tôn (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Còn tại Thừa Thiên - Huế, đến tối 17-10, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy ông Trần Minh Đ. (65 tuổi) và vợ là Võ Thị Th. (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) sau vụ lật ghe trên sông Bồ.
Mưa lớn cộng với hồ thủy lợi, thủy điện điều tiết xả lũ từ thượng nguồn, khiến nhiều khu vực dân cư ngập sâu trong lũ. Trong đó, tuyến QL1A qua huyện Phú Lộc ngập cục bộ, có đoạn sâu gần 1m. QL49B và hầu hết các tuyến đường liên xã tại huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà ngập sâu 0,5-1m buộc người dân phải dùng thuyền nhỏ di dời đồ đạc từ thấp lên cao.
Ở Quảng Nam, thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 xả điều tiết lũ gây ngập vùng hạ du (Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An). Nước sông Vu Gia lên báo động III gây ngập lụt thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc), có nơi sâu hơn 1m. Phố cổ Hội An cũng chịu cảnh lụt nhiều tuyến phố do nước sông Hoài lên báo động II…
Tại Hà Tĩnh, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh cộng với việc xả tràn tại các hồ chứa khiến một số địa bàn ở huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Thạch Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Tuyến QL1A đoạn qua phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) bị ngập 50-70cm. Trong ngày 16 và 17-10, mưa lớn cũng đã gây ra tình trạng sạt lở núi, hư hỏng đường tại nhiều địa bàn ở Nghệ An, trong đó nặng nhất các xã Mường Ải, Na Ngoi, Phà Đánh, Huồi Tụ (huyện rẻo cao Kỳ Sơn).
Miền Trung tiếp tục mưa lớn
Tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện đã ghi nhận 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã. Địa phương tổ chức di dời 501 hộ với 1.903 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong khi đó, ở Quảng Trị, Đồn Biên phòng Ba Nang phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ di dời 45 hộ/192 nhân khẩu ở thôn Trại Cá (xã Tà Long) đến khu vực an toàn. Ở Quảng Ngãi, lực lượng chức năng huyện Bình Sơn giúp dân khắc phục hậu quả của trận lốc xoáy làm tốc mái 73 nhà; trong khi huyện Sơn Hà lên phương án di dời 32 hộ dân và học sinh trường THCS dân tộc nội trú ở làng Bồ, thị trấn Di Lăng, đang bị sạt lở uy hiếp.
Tại Bình Định, mưa lũ tàn phá đường qua suối Dơi (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) khiến giao thông bị chia cắt, cô lập khoảng 200 người dân ven núi. Xã Vĩnh Kim có 2.133 người trong vùng nguy cơ sạt lở núi, lũ quét rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình mưa lũ để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Tại Đà Nẵng, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã lên phương án để học sinh quay trở lại trường vào ngày 18-10 nhưng do tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, mưa lớn gây ngập lụt thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) nên xã đã dời thời điểm đi học lại sang ngày 19-10.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 17-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to. Đến chiều 17-10, lượng mưa tại Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) là 104,8mm, Trường Sơn (Quảng Bình) 100,6mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 103,2mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 351,4mm, Hương Nguyên (Thừa Thiên - Huế) 165,8mm, Đắc Pring (Quảng Nam) 100,6mm, Sơn Tây (Quảng Ngãi) 100,8mm… Ngày 18-10, khu vực từ nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, có nơi trên 250mm; từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa dông. Từ Bắc Trung bộ trở ra Bắc bộ, trời lạnh; miền núi có nơi sẽ xuống 160C.