Sửa soạn đón bắt xu thế du lịch mới
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, du lịch Bình Định mới phát triển khoảng 7 năm trở lại đây nhưng đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Hình ảnh du lịch tỉnh đang dần được tạo dựng, có vị thế quan trọng trong khu vực miền Trung và bản đồ du lịch Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, khách du lịch đến tỉnh đạt gần 5 triệu lượt, doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng đóng góp vào tổng sản phẩm địa phương 18%. Quý II-2022, sau khi du lịch hồi phục lượng khách đến tỉnh đạt gần 1 triệu lượt, doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Theo ông Long, Bình Định có lịch sử, văn hóa và tài nguyên du lịch rất phong phú (khoảng 200 di tích lịch sử, di sản). Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử minh chứng cho nhiều nền văn hóa đan xen của các vương triều Champa, Tây Sơn… Bình Định còn là nơi sinh ra, nuôi dưỡng 4 nhà thơ, nhà văn hóa lớn, là: Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Yến Lan. Bình Định cũng là nơi phát tích, phôi thai chữ quốc ngữ, bài chòi, hát tuồng…
Nhằm đáp ứng xu thế phát triển KT-XH và du lịch trong tình hình mới, Bình Định đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng đô thị, dịch vụ, giao thông… Trong nhiệm kỳ này, tỉnh phấn đấu hoàn thiện tuyến đường ven biển Quy Nhơn – Hoài Nhơn và làm xong cao tốc Bắc – Nam với 3 tiểu dự án kết nối Quảng Ngãi và Phú Yên.
TS Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết 2 năm ảnh hưởng đại dịch khiến tổng thu ngành du lịch cả nước giảm trên 57% so với năm 2019; 2,5 triệu lao động du lịch bị tác động, trong đó 800.000 lao động bị tác động trực tiếp; số doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35%...
Từ ngày 25-3-2022, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch. Chỉ sau 1 tháng số người nước ngoài đến đạt trên 100.000 người, trong đó 41.000 khách du lịch.
Mặc dù đã mở cửa đón khách song du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, đại dịch đã tác động nặng nề nên mất rất lâu để khôi phục lại; việc đi lại giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, du lịch nước ta vẫn chưa tạo ra được các chuỗi liên kết rõ nét đủ mạnh để cạnh tranh với khu vực, nhân lực du lịch còn yếu…
Ông Phúc nhận định, sau đại dịch, nhu cầu du lịch sẽ tăng cao. Tập trung 6 xu hướng, gồm: an toàn, thân thiện; đảm bảo chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm; chuyển sang du lịch nội địa; sử dụng sản phẩm trọn gói; công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; linh hoạt trong sử dụng dịch vụ.
Liên kết vùng để cùng nhau gỡ khó
Theo TS Trần Đình Thiên, khó khăn hiện tại của Bình Định là phụ thuộc vào thể chế và hành động quốc gia. Bên cạnh đó, nội lực du lịch của tỉnh cũng còn thiếu và yếu, chưa thể hiện rõ được vai trò trụ cột trong liên kết vùng, đặc biệt, liên kết các tỉnh lân cận, như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum…
Ngoài ra, tại hội thảo TS Trần Đình Thiên và các chuyên gia, đại biểu, diễn giả đề nghị Bình Định đẩy mạnh liên kết vùng. Một số diễn giả cho biết, xu thế du lịch khách quốc tế muốn trải nghiệm văn hóa, tự nhiên và hành trình xuyên việt.
Vì vậy, Bình Định và các địa phương cần đẩy mạnh kết nối thành tuyến, tour rộng hơn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Trước mắt, Bình Định nên đẩy mạnh kết nối Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum tạo tuyến du lịch có biển, văn hóa, đồng bằng, bình nguyên, miền rừng núi…