Báo cáo với đoàn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Huỳnh Thanh Khiết cho biết, đến cuối năm 2021, TPHCM đã giảm 1.597 hộ nghèo với 5.822 nhân khẩu (giảm 0,06%); giảm 1.378 hộ cận nghèo với 5.288 nhân khẩu (giảm 0,05%). Hiện TPHCM còn lại 36.664 hộ nghèo và 19.562 hộ cận nghèo.
Trong các vướng mắc, UBND TPHCM đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành nội dung chính sách hỗ trợ trẻ thiếu hụt về dinh dưỡng với trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Về thiếu hụt nhà ở, UBND TPHCM đề nghị cần có chính sách phù hợp để hộ nghèo, cận nghèo được xây dựng, sửa chữa nhà khi chưa có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Các đại biểu trong đoàn giám sát đề nghị UBND TPHCM xem xét cho phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác, để hộ nghèo, cận nghèo có thể phát huy nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế. Đồng thời cần rà soát lại các dự án, nhất là công trình giao thông trọng điểm để phát triển liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TPHCM nhanh chóng bố trí vốn để cho hộ nghèo, cận nghèo vay ưu đãi. Suốt 1,5 năm qua, TPHCM vẫn chưa bố trí được nguồn vốn này, khiến hồ sơ vay ở các quận huyện tồn đọng rất nhiều. Không tiếp cận được vốn ưu đãi, người dân có thể trở thành nạn nhân của tín dụng đen với hậu quả khó lường.
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin thêm, UBND TPHCM đang tính toán về việc bố trí vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời sớm đánh giá, nhân rộng các mô hình tốt như cho phép hộ nghèo, cận nghèo sửa chữa nhà ở theo cấu trúc cũ ở quận Bình Thạnh.