Ngân hàng Công thương Việt Nam với tên giao dịch Incombank là một thương hiệu quen thuộc của khách hàng từ hàng chục năm nay. Những ngày đầu tháng 4 vừa rồi gần 138 chi nhánh, 700 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm của Incombank phải tháo biển giao dịch cũ để trưng biển giao dịch mới. Tên giao dịch Incombank đổi thành Vietinbank. Khách hàng bất ngờ lẫn thắc mắc về sự thay đổi này! Cái thời mà Phạm Nhật Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam tại TPHCM gây nên khoản nợ khó đòi đến hàng ngàn tỷ đồng, làm mất uy tín cũng chưa đến nỗi phải đổi tên.
Vậy điều gì đã xảy ra? Tìm hiểu mới biết sự tình:
Để xây dựng thương hiệu chuẩn được bảo hộ và đăng ký toàn cầu với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), lãnh đạo Incombank ký hợp đồng với Công ty Richard Moore của Mỹ tiến hành việc xây dựng thương hiệu. Đến lúc này mới biết thương hiệu Incombank đã được một ngân hàng ở Nga đăng ký và được bảo hộ ở 29 quốc gia. Việc phải thay tên đổi họ này không chỉ tốn kém kinh phí mà còn tổn thất về lòng tin của khách hàng. Phải mất một khoảng thời gian Vietinbank mới xây dựng được uy tín như Incombank.
Không phải chỉ có Incombank mà trong mấy năm qua hàng loạt thương hiệu của Việt Nam đã bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước. Cà phê Trung Nguyên bị mất thương hiệu ở Mỹ. Kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi bị mất ở Đài Loan, Trung Quốc. Đến một số thương hiệu của các tập đoàn kinh tế lớn của ta cũng bị người ta hớt tay trên. Cuối năm 2002 Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) mới ngớ người khi biết thương hiệu Petro Vietnam đã bị đăng ký tại Mỹ. Còn thương hiệu Vinataba bị biến thành thương hiệu chung của 12 nước trong khu vực châu Á.
Con đường đòi lại thương hiệu hết sức gian nan, vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thời gian. Doanh nhân nhanh chân đăng ký thương hiệu Trung Nguyên tại Mỹ đã đề nghị Công ty Trung Nguyên mua lại thương hiệu với giá chuyển nhượng cả triệu USD. Vinataba đến giờ chỉ mới đòi lại được thương hiệu ở thị trường Lào.
Trong buôn bán toàn cầu việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu là vô cùng quan trọng. Tiếc là doanh nhân của ta lại chưa quan tâm đúng mức. Cục Sở hữu trí tuệ cho biết hiện mới chỉ có khoảng 25% doanh nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong khi đó, chỉ tính số nhãn hiệu của các nước khu vực ASEAN đăng ký tại Việt Nam đã gấp gần ba lần nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam đăng ký ở nước ngoài.
Bài học về sự chậm chân để người ta chiếm mất thương hiệu đã rõ - Đừng chậm chân nữa!
Minh Thông