Vị tân Thủ tướng Anh nổi tiếng với mái tóc vàng không chải chuốt cùng phong cách nói chuyện mạnh bạo, không e dè là đề tài bàn tán chính của giới bình luận suốt nhiều năm. Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, ông khiến chủ nhà Trung Quốc tức giận khi nói rằng, môn bóng bàn không phải do người Trung Quốc sáng tạo ra mà thực tế được phát triển từ một trò chơi mang tên “whiff-whaff” của Anh. Ông cũng từng gây chú ý với hình ảnh treo mình trên dây kéo, trên tay cầm quốc kỳ Anh để cổ vũ cho Olympics London năm 2012.
Boris Johnson sinh ra tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 19-6-1964 và được gọi bằng tên thân mật trong gia đình là Al. Boris Johnson theo học tại Oxford vào năm 1983. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1987, ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí với vai trò thực tập sinh cho tờ Times, nhưng cá tính của ông không gây được ấn tượng với chủ bút nên chỉ được giao làm những công việc cấp thấp, dưới khả năng của mình. Thất vọng, Boris Johnson bịa đặt một câu trích dẫn từ cha đỡ đầu của mình, nhà sử học Colin Lucas và bị sa thải.
Sau đó, ông được tờ Daily Telegraph thuê lại, trở thành trưởng đại diện tại Brussels, phụ trách mảng Liên minh châu Âu từ năm 1989 tới 1994. Kể từ đó, Boris Johnson bắt đầu thúc đẩy phong trào báo chí chống lại EU. Trong một bài viết trên tạp chí New Statesman hồi năm 2017, cựu biên tập viên cho tờ Times Martin Fletcher đã mô tả rằng, nhiệm vụ của Boris Johnson là “truyền bá sự hoài nghi về châu Âu và tận dụng mọi cơ hội để đả kích EU”. Những năm này cũng là thời gian nổi nhất trong sự nghiệp báo chí của ông.
Từ Brussels trở về London, Boris Johnson được bầu làm trưởng ban bình luận chính trị của tờ Daily Telegraph, chủ bút tạp chí Spectator, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và trở thành thành viên nghị viện thuộc đảng Bảo thủ năm 2001. Năm 2008, ông tham gia cuộc đua tranh chức thị trưởng London và giành chiến thắng trước thị trưởng mãn nhiệm Ken Livingstone, thuộc Công đảng. Chiến thắng của Boris Johnson được coi là bước đột phá lớn với đảng Bảo thủ, vốn đã mất quyền lực tại quốc hội trong hơn 10 năm tính đến thời điểm đó.
Trên cương vị thị trưởng London, Boris Johnson tích cực thúc đẩy vai trò và vị thế của London. Ông đã tổ chức chương trình chia sẻ xe đạp tại London có tên gọi “Boris bikes”, quan tâm đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Đáng chú ý, ông đã chủ trì Thế vận hội London 2012. Theo nhận xét của tờ Guardian, ông đã chứng minh được “sức mạnh lớn nhất của mình với tư cách là thị trưởng, mang đến niềm vui và tâm trạng phấn khích cho mọi người”.
Bước ngoặt lớn nhất đối với sự nghiệp của ông lại bắt nguồn từ phong trào Brexit (Anh rời khỏi EU). Trên chiếc xe buýt màu đỏ, Boris Johnson đi khắp đất nước để trấn an cử tri về những lợi ích mà Brexit mang lại. Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh năm 2016 với kết quả nghiêng về phương án rời EU đã tạo ra cú hích trên con đường chính trị của ông.
Boris Johnson tiếp quản vị trí Thủ tướng Anh giữa lúc thỏa thuận Brexit vẫn bế tắc và có quan điểm cứng rắn khi tuyên bố Anh sẵn sàng rời EU mà không cần đạt thỏa thuận nào vào hạn chót 31-10, thay vì hoãn quá trình này một lần nữa (Brexit cứng).