Trong thông báo này, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số trong năm 2025. Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý 1-2025; đồng thời giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).
Dư luận, người dân rất quan tâm, đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn và nhân văn của Bộ Chính trị trong bối cảnh dân số Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trước đó, Báo SGGP đã có vệt bài “Hãy để cha mẹ tự quyết định số con” phản ánh tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, thậm chí nhiều tổ chức quốc tế còn đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ người cao tuổi có thể chiếm 16,8% dân số vào năm 2029; và dự kiến tới năm 2036, chúng ta trở thành quốc gia có dân số già.
Đối lập với tốc độ già hóa dân số rất nhanh thì mức sinh lại ngày càng giảm mạnh. Năm 2024, mức sinh chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, là năm có mức sinh thấp nhất trong lịch sử. Mức sinh ngày càng xuống thấp không chỉ phản ánh quan niệm về sinh đẻ có nhiều thay đổi so với trước mà còn cho thấy các chính sách về dân số và khuyến sinh có nhiều bất cập nên vẫn chưa kiềm hãm được đà giảm sinh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì già hóa dân số nhanh cùng với mức sinh rất thấp đang tác động trực tiếp tới quy mô, cơ cấu dân số, gây nhiều hệ lụy cho tương lai. Trong đó, đáng lo nhất chính là việc suy giảm nguồn lực lao động, nhất là lao động trẻ. Điều này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững. Hơn nữa, mức sinh thấp kéo dài, không đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ còn ảnh hưởng tới sự phát triển và duy trì nòi giống.
Chúng ta đang trong tâm thế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trên của Bộ Chính trị để có thể hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030, trong đó mục tiêu hàng đầu là duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ và quy mô dân số 104 triệu người. Cùng với đó, các địa phương cần có thêm chính sách, cơ chế hỗ trợ về an sinh, xã hội nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và sinh ít nhất là 2 con.