Quốc hội đã nghe bộ trưởng các bộ: NN-PTNT, VH-TT-DL, Y tế, KH-ĐT trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH các vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017; giải pháp ổn định các chỉ tiêu kinh tế; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, góp ý và xây dựng. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã bước đầu phát huy được tính tranh luận của ĐBQH đối với 4 vị bộ trưởng. Các ĐBQH đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vấn đề.
Bên cạnh đặt câu hỏi, có rất nhiều ĐBQH giơ bảng để tranh luận đến cùng các vấn đề. Thậm chí, nếu ĐBQH chưa chấp thuận câu trả lời của các vị bộ trưởng hoặc các nội dung ở tầm bao quát của Chính phủ, liên quan đến nhiều bộ ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tọa kỳ họp - còn yêu cầu các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng ngành liên quan trả lời thêm để ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân cả nước rõ vấn đề. Đặc biệt, tại phiên chất vấn lần này, ĐBQH còn tranh luận và phản biện ý kiến của nhau để làm rõ các vấn đề hơn chứ không chỉ bó hẹp ĐBQH chất vấn, tranh luận với các vị bộ trưởng. Điều này thể hiện tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của ĐBQH đối với những vấn đề nóng của thực tiễn, những vấn đề liên quan đến cuộc sống của cử tri và nhân dân cũng như sự phát triển của đất nước.
Về phía các vị bộ trưởng, tuy mới chỉ nhận nhiệm vụ khoảng 1 năm nhưng cũng qua trả lời chất vấn cũng đã phần nào thể hiện được tâm huyết, quyết tâm trong việc nỗ lực để làm chuyển biến tình hình, đáp ứng mong mỏi của toàn thể cử tri, nhân dân. Các phó thủ tướng cùng các bộ trưởng đã nỗ lực để làm rõ được một số vấn đề; thẳng thắn nhận trách nhiệm và cam kết tập trung chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương; quyết tâm tạo chuyển biến thời gian tới.
Tại phiên chất vấn này, trừ Bộ trưởng Bộ Y tế, 3 bộ trưởng còn lại lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Tuy nhiên, các bộ trưởng đều rất bình tĩnh, trả lời đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn dễ hiểu và không né tránh trách nhiệm với những vấn đề chưa làm được. Thế nhưng, dù đã cố gắng làm hài lòng các ĐBQH cũng như cử tri, nhân dân thì đọng lại sau phiên chất vấn vẫn là những “tiếc nuối”. Chẳng hạn có những vấn đề rất “nóng” của thực tiễn nhưng đã không được ĐBQH chất vấn như vụ sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, vụ Đồng Tâm… Còn với các vị bộ trưởng, dù đã có tinh thần thẳng thắn, nhận trách nhiệm nhưng ĐBQH, cử tri vẫn có cảm giác không chấp nhận việc nhận trách nhiệm suông.
Nhiều ĐBQH có chung suy nghĩ: bộ trưởng đã trả lời thẳng vào câu hỏi nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng có câu trả lời, đặc biệt là đối với những giải pháp và những vấn đề đã tồn tại nhiều năm.
Ví dụ phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho thấy một nhiệt huyết, tâm huyết làm sao để giải quyết được những tồn đọng. Nhiệt huyết rất nhiều nhưng đi vào giải pháp thì các ĐBQH lại chưa hài lòng. Bởi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chưa phân tích về nguồn gốc của những khủng hoảng thừa nông sản, đặc biệt là thừa thịt heo vừa qua. Nếu chưa thấy rõ, hoặc vì lý do nào đó mà tránh né, chưa thẳng thắn đưa ra đúng nguyên nhân thì giải pháp cũng sẽ rất xa vời và sau thịt heo sẽ là thừa những sản phẩm khác nữa.
Hay Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu chỉ hô hào y đức thì không thể giải quyết được, cũng như chưa tìm được mô hình phù hợp nhất cho y tế cơ sở, chưa có giải pháp đột phá ngay để giải bài toán mua thuốc kháng sinh “dễ như mua rau”, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Hay như Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, dù đã chủ động nhận trách nhiệm ngay từ đầu nhưng ĐBQH vẫn cảm thấy lo âu khi đến giờ bộ trưởng vẫn chưa có giải pháp nào cho vấn đề tác phẩm trước năm 1975; cho việc chậm chủ động xử lý các vấn đề nóng của ngành; cho việc cần phải thanh lọc lại đội ngũ cán bộ của ngành ra sao.
Rõ ràng, chỉ nhận trách nhiệm thôi là chưa đủ, thậm chí cũng không khó, nhưng ĐBQH cũng như cử tri sẽ không chấp nhận các bộ trưởng nhận trách nhiệm suông. Vì vậy, vấn đề quan trọng là sau chất vấn, các vị “tư lệnh ngành” sẽ triển khai giải quyết như thế nào về những nội dung mà ĐBQH phản ánh, những tâm tư mà ĐBQH gửi gắm. Nói như một số ĐBQH, trong thời đại công nghệ số hiện nay, cử tri theo dõi phát thanh truyền hình trực tiếp cũng rất nhiều nên họ cũng sẽ dõi theo, giám sát các vị bộ trưởng. Làm sao để cử tri thấy bộ trưởng nói phải đi liền với hành động; một Chính phủ rất minh bạch, kiến tạo, hành động; một Chính phủ nỗ lực quyết tâm cao nhất, đó mới là điều quan trọng của mỗi kỳ chất vấn.