Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nhóm cử tri này chiếm khoảng 20% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy được xem là không ưa cả hai ứng cử viên, số cử tri nói trên lại thể hiện khá rõ sự “thiên vị” khi 47% bỏ phiếu cho ông Donald Trump, trong khi chỉ 30% bầu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử tổng thống), 23% còn lại bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác.
Theo các chuyên gia, nếu phiếu bầu của số cử tri đặc biệt này được phân bổ đồng đều giữa ông Trump và bà Clinton khi đó, không loại trừ khả năng bà Clinton đã giành thắng lợi tại một số bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, từ đó trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Bước sang kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, tỷ lệ cử tri đặc biệt này trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu đã giảm xuống còn 3%, một phần do khả năng gây phân hóa sâu sắc của ông Donald Trump. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, số cử tri đặc biệt này đã tăng vọt. Kết quả phần lớn các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trong tháng 4-2024 cho thấy 15%-20% cử tri Mỹ không ủng hộ cả Tổng thống Joe Biden lẫn cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo giới quan sát, vào tháng 11 tới, quyết định của nhóm cử tri đặc biệt này - hoặc miễn cưỡng bỏ phiếu cho một trong hai ứng viên hoặc bầu cho ứng cử viên thứ ba, thậm chí không đi bỏ phiếu - nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố quyết định kết quả bầu cử tại các bang chiến trường quan trọng (có thể nhỉnh hơn so với các kỳ bầu cử trước do hai ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đang mở rộng phạm vi cạnh tranh).
Theo cuộc thăm dò dư luận ngày 29-4 vừa qua của Đại học Monmouth (Mỹ), ứng cử viên tổng thống độc lập Robert Kennedy Jr. (nếu đủ điều kiện tranh cử) có thể chiếm tới 40% số phiếu bầu của nhóm cử tri này. Số phiếu còn lại được phân bổ tương đối đồng đều cho hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump.