Trước đó, chiều 29-7, ông K. đang ở nhà thì nhận được điện thoại của một người đàn ông. Người này xưng là nhân viên quản lý hồ sơ BHXH Tân Bình và nói với ông xác nhận số BHXH của ông trên phần mềm VNeID.
Đồng thời, nhân viên này nói ông đem căn cước công dân đến phòng BHXH Tân Bình để làm hồ sơ. Ông K. nói là đang đi công tác thì nhân viên nói sẽ giới thiệu nhân viên tên Như sẽ hướng dẫn cho ông cách làm tại nhà.
Tiếp đó, Như liên hệ cung cấp cho ông K. đường link “VSSID.Govne.com” nói ông truy cập. Ông K. truy cập vào và tải phần mềm VSSID về và tiếp tục làm theo hướng dẫn như quét mã vân tay, nhận dạng khuôn mặt của mình trên phần mềm này.
Sau khi làm theo hướng dẫn xong ông K. nghi ngờ bị lừa nên kiểm tra tài khoản ngân hàng, ông phát hiện bị đối tượng rút hết số tiền là 495 triệu đồng. Ông K. đến công an trình báo.
Một vụ khác, vào trưa 10-7, bà H. đang ở nhà thì nhận được tin nhắn từ tài khoản facebook tên “Minh Nguyễn” (giống tài khoản facebook của con trai bà H.). Nội dung tin nhắn nhờ bà H. chuyển 90 triệu đồng cho 1 người bạn tên là Nguyễn Hải Quỳnh.
Bà H. nghĩ con trai đang kẹt tiền nên mới nhờ chuyển tiền và con của bà H. cũng được hưởng hoa hồng từ việc chuyển tiền. Sau đó, bà H. chuyển tiền theo yêu cầu.
Tối cùng ngày, con trai bà H. về nhà nghe mẹ kể lại nên tới công an trình báo. Bà H. cho biết số tiền bị lừa đảo là hơn 1,1 tỷ đồng.
Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội; không tiếp xúc nhắn tin, nói chuyện với người lạ và các hội nhóm trên các trang mạng xã hội (zalo, viber, telegram, facebook... tất cả đều có thể là lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản).
Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.