Mất mùa thơ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định, trong năm 2021, đội ngũ văn nghệ sĩ trong nước đã tập trung cống hiến, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học nhân văn, mới mẻ, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Từ đó, đã tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, những khát vọng đẹp đẽ của con người, góp phần xây dựng những giá trị, nền tảng tinh thần cho nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước.
Năm 2021, hội nhận được 216 tác phẩm đề cử xét giải. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, “Giải thưởng Văn học 2021 đã lựa chọn khá chính xác những tác phẩm tiêu biểu. Các tác phẩm được trao giải đều truyền tải được cái đẹp của nghệ thuật và thông điệp nhân văn của con người. Song tiếc là thơ năm nay lại mất mùa”, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa cho hay. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, có 3 tập thơ lọt vào vòng chung khảo, là 3 tính cách, giọng thơ riêng biệt cũng như các khuynh hướng của thơ ca đương đại. “Tuy nhiên, thơ ca luôn là một “văn bản nghệ thuật khắc nghiệt” với cả người sáng tác và người đọc. Việc cảm nhận thơ ca luôn là sự thách thức và đa chiều. Chính vì lẽ đó mà không có tác phẩm thơ được trao tại Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức quyết định trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho 4 tác giả, tác phẩm xuất sắc ở 4 thể loại. Ở thể loại văn xuôi, giải thưởng thuộc về tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của tác giả Nguyễn Bình Phương. Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của tác giả Trương Đăng Dung đoạt giải ở thể loại lý luận phê bình. Giải văn học dịch thuộc về tiểu thuyết Châu Phi nghìn trùng của tác giả Isak Dinesen, bản dịch Hà Thế Giang. Giải thưởng Văn học thiếu nhi được trao cho tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng của tác giả Lê Văn Nghĩa.
Không yêu cầu viết đơn xin vào hội
Cũng trong ngày 14-2, Hội Nhà văn Việt Nam công bố quyết định kết nạp 34 hội viên mới, trong đó, một số tân hội viên là những gương mặt nổi tiếng và quen thuộc trên văn đàn từ nhiều năm nay như: Nguyễn Việt Hà, Nhật Chiêu, Nguyễn Phúc Lộc Thành...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cảm ơn những người đã tự nguyện bước vào ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam. Họ mang đến cho hội một giọng nói mới, một vẻ đẹp mới, cộng thêm vào là những ý chí khát vọng mà Hội Nhà văn Việt Nam qua nhiều thế hệ đã mang tới xây dựng nên ngôi nhà chung. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết đã trân trọng, khuyến khích vận động một số nhà văn vào hội - đó là những người đã để lại ấn tượng tốt trong đời sống văn học Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sự “mời” này không có nghĩa các tác giả đi thẳng vào hội bằng ưu tiên nào đó, mà vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục bình xét, bỏ phiếu kín, và khi số phiếu quá bán trong hội đồng thì họ mới được xét kết nạp. Ông cho biết, ban chấp hành đã thống nhất thay đổi đơn xin bằng bản đăng ký tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng với đó, tất cả thủ tục khác sẽ tiến hành theo quy định, điều lệ, quy chế, quyết định tập thể.
Chia sẻ cụ thể hơn về trường hợp nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh hiện đang gây nhiều dư luận, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết đã từng phản đối quyết liệt bài thơ 19 năm về trước của nhà thơ này. Nhưng 19 năm trôi qua, không nên lấy chuyện quá khứ để bàn những vấn đề của hiện tại. Chính vì quan điểm đó mà Hội đồng Văn xuôi đã bỏ phiếu gần như 100% chấp thuận nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vào hội. Ban chấp hành đã bàn luận kỹ trước khi bỏ phiếu. Ngày 10-2, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh gửi thư xin rút khỏi việc xét vào Hội Nhà văn.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thông báo lần đầu tiên trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021. Năm nay, hai tác giả được nhận giải cao quý này là nhà thơ Mai Hường và Huệ Triệu (TPHCM).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực tổ chức, hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam ở nhiều góc độ. Đồng chí bày tỏ mong muốn Hội Nhà văn tiếp tục nâng cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn để đạt nhiều thành công mới, tạo được niềm tin đối với hội viên và bạn đọc; đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ. Đội ngũ văn nghệ sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về văn hóa, khát vọng phát triển; giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, gắn bó sâu sắc với nhân dân; thẳng thắn, quyết liệt phê phán cái xấu, cái ác. Bên cạnh đó, văn học nghệ thuật cần tập trung bồi dưỡng giá trị tâm hồn, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam; phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. |