Dự và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Trước giờ khai mạc hội thảo, các đại biểu đã dâng hoa tưởng niệm Bác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội thảo là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, thành tựu nổi bật và cả hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh vĩ đại. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, trước lúc đi xa, điều dặn dò trước hết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, bởi Người hiểu rõ trọng trách, sứ mệnh lịch sử lớn lao mà dân tộc ta, nhân dân ta đã trao trọn cho Đảng. Với bốn chữ “thật” được nhắc đi nhắc lại trong Di chúc, Bác thiết tha mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức, cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch trong sạch và phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Túc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, MTTQ Việt Nam chú trọng mở rộng mặt trận đoàn kết thông qua các phong trào, các cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, gia đình, tập thể và cộng đồng thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng Di chúc đã thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó cũng là sự thể hiện toàn diện sâu sắc nhất tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.
Kết luận hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm sâu sắc thêm về tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại và những định hướng chiến lược thể hiện trong Di chúc của Bác. Đó là những vấn đề cốt lõi nhất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: tăng cường đoàn kết giữ gìn sự thống nhất trong Đảng, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
“Những chỉ dẫn của Người trong Di chúc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn còn giá trị thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.