Theo Le Monde, từ ngày 3-12, tân Chủ tịch EC có chuyến đi đầu tiên của mình đến Madrid dự hội nghị của Liên hiệp quốc về khí hậu. Bà Ursula von der Leyen đã giới thiệu “thỏa thuận xanh” của mình với tư cách là một trong những ưu tiên của EC; nhưng câu hỏi về việc giảm hơn 50% lượng khí nhà kính vào năm 2030 và thuế carbon ở biên giới của Liên minh châu Âu (EU) hiện tại không tạo ra sự nhất trí giữa các nước châu Âu.
Ngoài ra, có các ưu tiên khác của tân Chủ tịch EC là kỹ thuật số, tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính khi EU đang trên bờ vực chia cắt với Vương quốc Anh. Ê kíp mới cũng dự kiến sẽ có một “hiệp ước di cư” mới với quyền tị nạn chung và cải cách quy định Dublin, một hồ sơ về thống nhất châu Âu, vẫn đang được xây dựng.
Khi ra mắt ê kíp vào tháng 9-2019, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của bà, EC sẽ là một bên tham gia địa chính trị. Trong thư gửi tới các ủy viên khóa mới, bà tuyên bố “EU cần mang tính chiến lược hơn, trở nên quyết đoán hơn và đoàn kết hơn trong cách tiếp cận quan hệ đối ngoại”.
Đại diện cao cấp mới về chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng muốn châu Âu trở thành người chơi lớn trên trường thế giới. Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu Charles Michel ủng hộ việc tăng cường hoạt động đối ngoại của EU.
Có thể nói, trong đội ngũ lần này có một nhận thức rõ ràng về sự cần thiết để EU nổi bật trên trường quốc tế, trong bối cảnh buộc phải thích ứng với tình trạng khủng hoảng lan tràn trong các khu vực khác và sự gia tăng cạnh tranh giữa nước lớn. Đặc biệt, EU phải tự bảo vệ lợi ích của mình trước 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Từ đồng minh thân cận nhất của EU, Mỹ đã trở thành một đối tác đầy khó chịu. Chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Washington nhằm vào Iran là minh chứng về cách Mỹ theo đuổi các lợi ích của nước này mà hầu như không để tâm tới những mối quan ngại của các đối tác châu Âu. Đối với EU, Trung Quốc đã từ cơ hội biến thành thách thức. Sáng kiến Vành đai và Con đường, với phạm vi vươn tới trung tâm của EU, cho thấy tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Bản thân một số nước thành viên EU tỏ ra do dự trước việc chống đối Trung Quốc khi xét tới các khoản đầu tư lớn của nước này vào cơ sở hạ tầng châu Âu. Nga cũng đang ngày càng lấy lại vị thế trên trường quốc tế.
EU đã có một số đòn bẩy để khẳng định chính mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và kỹ thuật số. Việc ủy ban mới nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại để từ đó hành động được cho là bước đi đúng hướng. Nhưng, EC không thể hoàn thành thách thức lớn này nếu thiếu vắng sự đoàn kết của các quốc gia thành viên. Sự thống nhất cũng là câu hỏi lớn về vị trí của châu Âu trong một thế giới đầy cạnh tranh mà bà Ursula von der Leyen phải đối mặt. Vào lúc này, điều EC cần nhất chính là vượt qua sự chia rẽ của mình.