Hiện nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã lên kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên trong tháng 4-2017. Chuyện “nóng” nhất mùa ĐHCĐ năm nay là việc bầu nhân sự cao cấp và các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu NH, mà tâm điểm được thị trường chú ý vẫn là 2 NH chưa tổ chức được ĐHCĐ trong năm qua: Eximbank và Sacombank.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, Eximbank sẽ bầu bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 Ảnh: HUY ANH
Ngóng “ghế nóng”
“Điểm nóng” nhân sự cao cấp thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và cổ đông hiện nay vẫn thuộc về Eximbank, vì đây là vấn đề mấu chốt dẫn đến 2 lần tổ chức ĐHCĐ của NH này trong năm 2016 bất thành. Cuối cùng, dự định tổ chức ĐHCĐ bất thường sau đó của Eximbank cũng phải tạm hoãn để chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đề án tái cơ cấu. Eximbank đã có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 21-4 và dự kiến thực hiện bầu bổ sung 3 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), tăng số lượng từ 8 lên 11 thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện danh sách các ứng viên đã được NHNN phê duyệt, nhưng danh tính 3 thành viên này vẫn đang được giữ kín. Theo giới thạo tin, bên cạnh 2 cổ đông lớn là Vietcombank và Sumimoto, có thể Tập đoàn Âu Lạc cũng sẽ đưa nhân sự của mình vào. Trước đó, ông Lê Minh Quốc và Ngô Thanh Tùng là đại diện của Tập đoàn Âu Lạc được cổ đông bầu vào HĐQT năm 2015 và hiện ông Lê Minh Quốc là Chủ tịch HĐQT Eximbank và ông Ngô Thanh Tùng là thành viên HĐQT Eximbank.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc phải khẩn trương tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4-2017, Sacombank cho biết sẽ tổ chức vào ngày 28-4. Câu chuyện nhân sự cao cấp cũng như các ứng viên tham gia tái cơ cấu Sacombank trên thị trường trở nên “nóng sốt”, vì trước đó, ngày 24-2-2017, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) tại Sacombank. Mới đây, HĐQT Sacombank cũng thông báo ông Lê Trọng Trí (con rể ông Trầm Bê) thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Sacombank kiêm Trưởng phòng hành chánh quản trị, chuyển sang làm chuyên viên cấp cao thuộc Văn phòng HĐQT kể từ ngày 4-4. Trong ĐHCĐ tới đây, Sacombank sẽ thông qua nhiệm kỳ tiếp theo của HĐQT và Ban kiểm soát, được tính từ năm 2017-2021, và nhân sự cao cấp của ngân hàng này. HĐQT Sacombank nhiệm kỳ mới sẽ giữ nguyên số lượng 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập và tối thiểu một nửa tổng số thành viên HĐQT phải là người không tham gia điều hành ngân hàng.
Không chỉ 2 ngân hàng trên mà vị trí “ghế nóng” tại Ngân hàng BIDV cũng được nhiều người quan tâm vì sau khi ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, về hưu vào tháng 9-2016 đến nay, vị trí chủ tịch HĐQT của NH này vẫn bỏ trống. Do tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại BIDV còn rất lớn, trên 85%, nên chủ tịch HĐQT phải được NHNN chỉ đạo đại diện phần vốn nhà nước.
Lộ dần cổ đông tham gia tái cơ cấu Sacombank?
Ngoài vấn đề nhân sự, việc tái cơ cấu NH, đặc biệt là các NH trong diện tái cơ cấu trong giai đoạn 2, cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Thời gian gần đây, việc các ứng viên có tiềm lực tài chính “đánh tiếng” tham gia vào Đề án tái cơ cấu NH Sacombank đã gây nhiều chú ý. Đó là Tập đoàn Novaland và nhóm ứng viên bao gồm: Evercore Group (công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư - Mỹ), Redsun Capital Limited (công ty tư vấn chuyên về M&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.
Cụ thể, tháng 12-2016, Tập đoàn Novaland có văn bản gửi NHNN xin tham gia Đề án tái cơ cấu Sacombank với đề xuất mua 20% cổ phần của NH này. Thế nhưng, chỉ khoảng 3 tuần trước thềm ĐHCĐ của Sacombank, ngày 6-4-2017, Tập đoàn Novaland đã xin rút với lý do các điều kiện hiện tại của Sacombank chưa phù hợp để tập đoàn đầu tư trong thời điểm này. Việc rút lui của Tập đoàn Novaland khiến dư luận cho rằng thành viên tham gia tái cơ cấu Sacombank đã lộ dần là nhóm ứng viên thứ hai, nhất là khi có ông Đặng Văn Thành - nhân vật sáng lập Sacombank. Được biết, nhóm đầu tư này đã xin phép NHNN tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank. Sau đó, sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, đề xuất một số cơ chế đặc thù từ NHNN và Chính phủ để việc tái cơ cấu đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, theo quan điểm của NHNN, nhà đầu tư muốn tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank thì ngoài việc có năng lực tài chính mạnh để mua cổ phần, còn phải có tiền thật để tăng vốn điều lệ nhằm xử lý những vấn đề đang tồn tại ở NH này. Và dĩ nhiên, để trở thành cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank bằng việc nắm giữ các vị trí quản trị, điều hành cao cấp, nhà đầu tư phải thông qua được sự xét duyệt khắt khe của NHNN trước khi bầu chọn cơ cấu nhân sự cao cấp.
|
NHUNG NGUYỄN