Ông là Trần Bửu Kiếm, nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định, người từng dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN Việt Nam) sang dự hội nghị 4 bên ở Paris, Pháp năm 1969.
Ông Trần Bửu Kiếm từ giã nhân gian ở tuổi 102, vào ngày 26 tháng Chạp (nhằm ngày 28-1-2022) trên đất Pháp. Dịp này, những thước phim về hoạt động của ông cùng đoàn đại biểu năm nào ở Paris được nhiều người chia sẻ lại. Ở đó, một người Việt Nam yêu nước dáng người mực thước, thông minh cương nghị đang trình bày trước truyền thông quốc tế bằng tiếng Pháp.
Cuộc đời hoạt động của thanh niên trí thức Trần Bửu Kiếm bắt đầu khá sớm. Từ quê nhà huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký, rồi ra Hà Nội học Đại học Luật năm 1942. Ở đó, ông cùng các bạn học tham gia hoạt động yêu nước, tích cực diễn thuyết về lịch sử, truyền thống chống xâm lăng của cha ông.
Xếp bút nghiên, vượt chặng đường gian nan bị bắt bớ, giam cầm, khi trở về miền Nam ông tham gia ngay và đảm nhiệm công tác tuyên truyền bí mật của Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là cán bộ thông tin tuyên truyền của Lâm ủy Hành chính Nam bộ, làm nhiệm vụ quản lý, phát triển báo chí, xuất bản… Năm 1948, ông là Phó Đoàn đại biểu Quân Dân Chính Nam bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình, xin chi viện cho miền Nam. Trước khi trở về Nam, đoàn gặp Bác Hồ trong một buổi lễ đầy xúc động.
Tháng 12-1960, MTDTGPMN Việt Nam thành lập, ông là Chủ tịch Hội Liên hiệp học sinh - sinh viên giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông phụ trách nhiều công việc liên quan đến tuyên huấn, phụ trách trực tiếp các chương trình phát thanh và bản tin bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận sự có mặt của 4 bên tại Hội nghị Paris, gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, MTDTGPMN Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 16-12-1968, Trưởng Ban liên lạc đối ngoại của MTDTGPMN Việt Nam Trần Bửu Kiếm cùng phái đoàn đến Paris.
Theo sách Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, suốt thời gian tham gia Hội nghị ở Paris, ông Kiếm không bao giờ quên lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông đến chào Chủ tịch nước trước khi bay sang Paris: “Căng, nhưng đừng cho đứt!”. Những thước phim màu về thời gian này cho thấy ông Trần Bửu Kiếm đã tự tin, kiên định trình bày những lập trường, giải pháp cho vấn đề miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. Ông từng là thành viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác.
Từng có thời gian làm việc chung, ông Kiều Xuân Long, Trưởng Ban liên lạc Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định, nhận xét: “Ông Trần Bửu Kiếm là một nhân sĩ miền Nam rất… miền Nam. Ở ông là một tấm lòng yêu nước rất nồng nàn, hồn hậu, đến mức không bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì dù cho khó khăn gian khổ đến mấy”.
Trong ký ức của ông Long, nhân sĩ Trần Bửu Kiếm dù xuất thân trong hoàn cảnh khá giả nhưng sẵn sàng chịu khó chịu khổ ở bưng biền, bôn ba khắp nơi. Ông rất giỏi, nên được Bác Hồ tin tưởng giao cho nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc đối ngoại. Ông có thời gian phụ trách chương trình đối ngoại của Đài Phát thanh Giải phóng. Từ chiến khu ở Đồng Nai, những bản tin được phát đi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp được các văn phòng báo chí nước ngoài dẫn lại.
Với gia đình, ông Trần Bửu Kiếm là một niềm tự hào. Ông có lối sống rất kỷ luật, điềm đạm, đúng giờ. Ngày ông sang Pháp chữa bệnh, cô cháu gái Trần Thị Yến Thanh mới hơn 2 tuổi. Mười mấy năm sau, ông về thăm quê. Hai ông cháu đi bộ trên đường Gò Cẩm Đệm ở quận Tân Bình, ông thong thả kể cho đứa cháu nghe về những con đường và cả những câu chuyện lịch sử mà ông đã chứng kiến, đã tham gia.
Để rồi từ đó, lớn lên cùng Yến Thanh là lòng tự hào tràn ngập, khi ông mình đã có một thời thanh niên sôi nổi, ghi dấu trong lịch sử núi sông bằng tình yêu nước nồng nàn, hồn hậu của một người con Nam bộ.
Ông Trần Bửu Kiếm (bí danh là Chín An) sinh năm 1920 tại xã Thới Long, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp học sinh - sinh viên giải phóng miền Nam Việt Nam; nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Ủy viên Ủy ban Dự án pháp luật của Quốc hội. |