Ngày 29-9, ông Nguyễn Hữu Hạnh (thường gọi là ông Tư Hạnh) qua đời ở tuổi 95. Tuổi tác làm cho hình dáng con người đổi thay, nhưng lựa chọn và những việc làm của ông trong thời khắc lịch sử của dân tộc đã được ghi lại: Ngày 30-4-1975, chính ông Tư Hạnh đã cùng Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa buông súng.
Lòng hiếu thuận đưa ông đến với cách mạng
Ông Tư Hạnh sinh năm 1924 tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông học đến tú tài bán phần, sau đó gia nhập quân đội Liên hiệp Pháp. Tốt nghiệp trường võ bị, ông là chuẩn úy dưới quyền Thiếu úy Dương Văn Minh. Đây chính là khởi đầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và ông Dương Văn Minh.
Những tài liệu sau này ghi chép lại, ông Tư Hạnh được cách mạng đặc biệt chú ý từ năm 1963, khi đang là Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Đó là khi cha ông mất, để lại di nguyện được chôn cất bên cạnh phần mộ ông bà tổ tiên ở Mỹ Tho. Khi ấy, khu vực này nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Vâng lời cha, ông đã tìm cách liên lạc với “phía bên kia”, thỏa thuận ngừng bắn 3 ngày để làm lễ tang. Kể từ đó, ông được mặt trận phân công người vận động, thuyết phục làm cơ sở cho cách mạng. Người đó là ông Nguyễn Tấn Thành - bác họ thứ tám đã mấy lần được ông Tư Hạnh nuôi giấu.
Ông Tư Hạnh từng kể lại: “Cuối năm 1956, bác Tám là Huyện ủy viên Châu Thành bị bắt giam. Tôi bảo lãnh bác ra và nuôi trong nhà một thời gian. Sự gần gũi và liên lạc ngày càng nhiều, bác Tám giúp tôi ý thức dần về đường hướng cách mạng. Tôi cảm tình và trong khả năng của mình, giúp đỡ cách mạng những việc có thể làm được”.
Năm 1967, ông được bác Tám giới thiệu về hoạt động của Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho. Tới năm 1971, ông bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Trung ương Cục miền Nam, chủ yếu với vai trò trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, là cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Sau Hiệp định Paris, ông càng tích cực hơn trong việc nắm bắt, vận động anh em binh lính, sĩ quan. Đã có lúc ông bị cấp trên nghi ngờ, nhưng không có bằng chứng. Do nằm trong hàng ngũ đối lập, nên tháng 4-1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho ông về hưu sớm khi mới 48 tuổi. Tình hình quân sự lúc đó ngày một căng thẳng.
Ông “về vườn” nhưng nhận lệnh của Ban Binh vận là nắm lực lượng thứ ba... Đến khi Buôn Ma Thuột thất thủ, Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam lệnh cho ông sẵn sàng để khi tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống thì quay lại phục vụ quân đội, với nhiệm vụ thuyết phục tướng Minh và quân đội Sài Gòn đầu hàng.
Kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa buông súng
Ngày 28-4-1975, tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống. Sau này, ông kể lại ngày hôm đó: Được tin anh Dương Văn Minh sẽ nhậm chức Tổng thống vào ngày 28-4, dù không được anh Minh mời, nhưng đêm trước đó tôi đã liên lạc bằng điện thoại từ Cần Thơ với Chánh văn phòng của anh Minh và được hẹn vào ngày 30-4. Nhưng nhiệm vụ cấp bách, nên sáng 28-4, tôi rời Cần Thơ lên Sài Gòn. Hành trình cam go vì hôm đó quốc lộ 4 đã bị cắt đứt lưu thông ở Long An. Tôi chuyển sang đường Gò Công, tới được Sài Gòn đã gần 20 giờ...
Sáng 29-4-1975, ông Tư Hạnh gặp ông Dương Văn Minh tại nhà riêng. Lúc đó, ông hiểu rằng chính phủ cách mạng muốn chế độ Sài Gòn đầu hàng hơn là thương thuyết. Ông tìm cách để được ông Minh đưa về Bộ Tổng tham mưu, phụ tá cho tướng Vĩnh Lộc. Sau khi tướng Lộc bỏ đi, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trở thành Quyền Tổng tham mưu trưởng, từ hồi 13 giờ ngày 29-4-1975. Lúc 7 giờ sáng 30-4-1975, ông cùng một người đến nhà ông Dương Văn Minh trình bày tình hình cực kỳ nghiêm trọng “và khéo léo đưa anh Minh vào một quyết định theo ý muốn của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam”. Hồi 9 giờ 15, ông cùng Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.
Hòa bình lập lại, ông trở thành nhân sĩ, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TPHCM cho tới năm 2014. Ông từng được tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng ba và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc vào năm 2010. Nhiều lần tham gia các cuộc phỏng vấn của báo giới trong và ngoài nước, ông đã khẳng định lựa chọn của mình năm xưa là đúng. Ông nói rằng mình rất hạnh phúc khi đất nước chấm dứt chiến tranh, nhân dân thoát được cảnh lầm than vì bom đạn. Ông trở thành một ông già bình dị. Ở tuổi 95, ông về với tiên tổ, khép lại một cuộc đời với những giây phút là chứng nhân và thậm chí là một phần của lịch sử dân tộc.