Gần đây nhất là em Nguyễn Nhựt Nam, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Ngày 24-2, trên đường đi học về em Nam nhặt được một túi đồ. Do lúc này thầy cô đã về hết, nên em đem số tài sản trên về báo cho ông bà nội, tìm cách liên hệ trả lại cho người bị mất.
Qua kiểm tra, gia đình thấy trong bóp có 44 triệu đồng tiền mặt, cùng nhiều giấy tờ tùy thân; toàn bộ số tài sản này sau đó đã được gia đình trao trả lại cho người đánh rơi. Hành động đẹp đẽ của em được thầy cô, các bạn học sinh và nhiều phụ huynh hết sức cảm phục và tự hào. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, tỉnh Cà Mau cũng đã khen thưởng em.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng tặng bằng khen cho em Đỗ Văn Bằng, học sinh lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (tỉnh Sóc Trăng), vì đã có hành động cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất. Ngày mùng 4 Tết, em Bằng cùng 2 bạn là Trần Thanh Mới (16 tuổi) và Lê Nhĩ Khang (14 tuổi, cùng ngụ ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đi chơi tết và nhặt được chiếc ví giữa đường.
Qua kiểm tra, các em thấy có rất nhiều tiền (40,6 triệu động) cùng giấy tờ tùy thân trong ví nên mang đến nộp cho Công an huyện Thạnh Trị để nhờ tìm người đánh rơi. Theo giấy tờ tùy thân trong ví, Công an huyện Thạnh Trị đã tìm được chủ nhân chiếc ví (chị Dương Ngọc Diễm, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) và trả lại cho chị số tài sản nói trên. Hành động đẹp này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi, xã hội tán dương.
Cả 2 trường hợp Bộ GD-ĐT đều đề nghị sở GD-ĐT địa phương có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời cũng như quán triệt các trường học trong tỉnh tổ chức tuyên truyền nêu gương việc làm tốt nói trên trong các hoạt động giáo dục, sinh hoạt chào cờ hàng tuần, nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và các giá trị sống hiệu quả hơn đối với học sinh trong toàn tỉnh. Nhờ sự tuyên truyền của báo chí, hành động đẹp đẽ của các em cũng đã lan tỏa trong toàn xã hội, trở thành những tin vui đầu xuân mới, khiến ai cũng cảm thấy ấm áp, tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp đang được nhân lên.
Xã hội luôn luôn có những bức xúc, âu lo đối với những biểu hiện tiêu cực của thế hệ trẻ nói chung, các em học sinh nói riêng. Những câu chuyện về bạo lực học đường, những hành xử phi giáo dục của các em với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và đồng loại… luôn là bức tranh màu xám mà không một ai muốn xem. Vì thế, từ lâu xã hội luôn đòi hỏi ngành giáo dục phải bớt những kiến thức hàn lâm, khô cứng, lý thuyết.
Thay vào đó, chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh, dạy cho các em biết cách cư xử, yêu lao động và ý thức công dân, ý thức với cộng đồng. Vì thế những câu chuyện cụ thể, những tấm gương người thật việc thật về bài học đạo đức, về lòng trung thực, sự vị tha, trách nhiệm với người khác… của các em học sinh luôn mang lại niềm xúc động lớn cho toàn xã hội.
Những câu chuyện nhặt được của rơi trả người đánh mất, hay quên mình cứu người khác mà gần đây chúng ta được chứng kiến đều cần được nhân lên để tạo thành những giá trị tốt đẹp lớn lao trong xã hội. Khen thưởng kịp thời, tôn vinh xứng đáng... đó là cách chúng ta đưa nhanh những bài học trên sách vở đi vào cuộc sống.