Bước tiến mới về dạy học E-Learning
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, TP đã có kế hoạch đầu tư thí điểm mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 17 trường phổ thông. Đến nay, thư viện tiên tiến, hiện đại đầu tiên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2019. Đây là mô hình thư viện đầu tư theo hướng xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, ngân sách TP trả lãi vay.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay là phụ huynh vẫn mang tâm lý e dè khi được vận động đóng góp. Để giải quyết khó khăn đó, ông bày tỏ: “Muốn phụ huynh đồng thuận thì trước hết trường học phải thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường”.
Cụ thể, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã áp dụng 2 mô hình “lớp học trong thư viện” (học sinh đến học trực tiếp tại thư viện) và “thư viện trong lớp học” (với sóng wifi phủ toàn trường, học sinh ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể truy cập kho tài nguyên học liệu của nhà trường). Do đó, bước đầu thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về thói quen học tập trong một thư viện truyền thống, cũng như diện tích mở rộng tối đa của thư viện thông minh.
Đặc biệt, thư viện còn tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Management System) giúp giáo viên xây dựng kho bài giảng đã được số hóa và các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh.
Đây được xem là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường, tạo động lực giúp học sinh phát triển các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, hình thành văn hóa học tập khoa học. Ngoài ra, đây cũng là kho dữ liệu mở cho giáo viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy.
Kết hợp nhiều giải pháp
Trên thực tế, để quản trị một hệ thống thư viện thông minh cần sự phát triển đồng bộ nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, công tác đầu tư, trình độ chuyên môn của đội ngũ… Nếu không có sự phát triển đồng bộ của tất cả yếu tố sẽ dẫn đến sự lãng phí, không phát huy hết mọi công năng sử dụng của thư viện.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP), đổi mới giáo dục luôn đi kèm khó khăn. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả học tập thực chất cho học sinh, lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện và hiệu trưởng các trường THPT cần quyết tâm, mạnh dạn đổi mới. Trong đó, công tác quản trị thư viện không thể đẩy hết trách nhiệm về một người mà cần sự chung tay góp sức của tất cả đội ngũ chuyên môn trong nhà trường.
Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, trung bình mỗi năm, ngân sách TP dành hơn 3.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên, công tác đầu tư chỉ đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu học tập của người dân. Việc đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại là hết sức cần thiết. |
Hiện nay, tất cả dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đều được TP hỗ trợ lãi suất vay tối đa 7 năm, tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án. Với tổng mức đầu tư xây dựng một thư viện tiên tiến, hiện đại hiện nay khoảng 15 tỷ đồng, kết hợp với các điều kiện hỗ trợ, ưu đãi của TP thì việc các đơn vị chủ động đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh thời gian thực hiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở tất cả bậc học trên toàn TP.