Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia, đã chủ trì cùng sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước.
Từ mô hình rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua, vào tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đây là chương trình sản xuất và quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới do các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã kiểu mới làm ra.
Thực hiện từ năm 2013, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia, đến nay tại Quảng Ninh đã phát triển được gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị trong chương trình OCOP, nhờ vậy đã giúp người dân địa phương phát huy được những lợi thế sản phẩm độc đáo mà có giá trị cao ở làng quê mình đang sống.
Dẫn ra ví dụ về anh Lềnh A Tráng ở huyện nghèo Ba Chẽ, mặc dù không rành tiếng Việt nhưng anh đã biết khai thác lợi thế cây ba kích là đặc sản vốn chỉ có ở địa phương để phát triển thành loại hàng hóa bán rộng rãi trên thị trường, sau đó còn thành lập được công ty với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Mô hình OCOP ra đời để giúp người dân tạo ra các sản phẩm như thế.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay cả nước đã có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn... đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, 60/63 tỉnh, thành phố và các bộ ngành đã triển khai xây dựng đề cương, 30 tỉnh lập xong đề án và đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam) đã phê duyệt xong đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là cơ quan cấp bộ đầu tiên ban hành chương trình hướng dẫn thực hiện tín dụng cho OCOP. Mục tiêu tới năm 2020, sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, triển khai 8 - 10 mô hình “Làng văn hóa du lịch”; kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Biểu dương kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu và đạt được, giúp Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo, xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 trên cả nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu và chỉ ra chủ thể thực hiện là gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp và đang sửa Nghị định số 55 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung.