Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2024. Một số KCN tham gia chương trình gồm: Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (Hải Phòng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata - Biên Hoà (Đồng Nai), Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết, trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng đến nay, về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là việc khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.
Theo ông Quân, năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp nghị định của Chính phủ; lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện. Đây là kết quả hết sức quan trọng, đặt nền tảng cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ KH-ĐT. Bà Thảo tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.
Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ của dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày nhiều ý kiến về phát triển cộng sinh công nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sang KCN sinh thái…
Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020-2024 là hơn 1,8 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Thực hiện dự án này, Bộ KH-ĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Trong đó, 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.