Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc cấp đổi GPLX mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được thí điểm từ tháng 7-2020, tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Hai địa phương này có 11 cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe điện tử.
Từ tháng 7-2021, việc thí điểm được nhân rộng ra 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khoẻ điện tử, việc cấp đổi GPLX qua mạng tại các địa phương này cũng chưa hiệu quả. Trong đó, có 4 tỉnh, thành phố chưa có hồ sơ đăng ký thành công, 8 tỉnh còn lại chỉ có 131 GPLX được đổi thành công. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ có 20 GPLX được đổi thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hiện, ngành y tế vẫn chưa mở rộng các cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, số cơ sở y tế vẫn giữ nguyên như giai đoạn thí điểm, với 3 cơ sở tại Hà Nội và 8 cơ sở tại Hà Nam.
Để cấp đổi được GPLX qua mạng, người dân phải khám tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày và mất thêm phí chứng thực. Bên cạnh đó, việc kết nối dữ liệu tước quyền sử dụng GPLX của Cục Cảnh sát giao thông, cũng đang vướng mắc, cần nhiều thời gian tra cứu.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong khi chờ Bộ Y tế xử lý việc kết nối dữ liệu khám sức khoẻ, các địa phương có thể áp dụng một cách làm đang được thực hiện hiệu quả tại TP Hải Phòng.
Theo đó, Sở GTVT Hải Phòng tự xây dựng phần mềm đổi GPLX trực tuyến riêng. Các cơ sở y tế của thành phố cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe vào phần mềm này. Dữ liệu xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông thành phố cũng được kết nối. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, TP Hải Phòng đã cấp đổi trực tuyến thành công 500 GPLX.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mỗi năm có khoảng gần 2 triệu GPLX ô tô được cấp đổi, từ cách làm của TP Hải Phòng có thể nhân rộng ra toàn quốc.