LTS: Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử, là thành quả chung của các dân tộc, là một trong những giá trị tinh thần quý báu nhất của nền văn minh nhân loại. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định những giá trị nền tảng của quyền con người là: nhân phẩm, tự do, bình đẳng, nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11-10-2022 tại trụ sở Liên hiệp quốc (New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam, đạt tỷ lệ 76,72% và thuộc nhóm cao nhất. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử HĐNQ với hình thức bỏ phiếu kín.
Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Mỗi dân tộc, bằng hình thức này hay hình thức khác, trong thời kỳ lịch sử này hay thời kỳ lịch sử khác, đều có những đóng góp vào giá trị đó. Ở Việt Nam, bản chất của Nhà nước là Nhà nước vì con người và bảo vệ quyền con người.
Giá trị cốt lõi và thiêng liêng của các dân tộc
Điều 1 của Hiến chương Liên hiệp quốc đã quy định một trong những mục tiêu của Liên hiệp quốc là “thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế có tính chất kinh tế, xã hội, văn hóa hay nhân đạo, và trong việc thúc đẩy hay khuyến khích tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”(1). Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948) cũng đã khẳng định: “Việc thừa nhận những phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng, bất di bất dịch của mọi thành viên gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”(2). Cùng với sự ra đời của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và hai công ước: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), quyền con người đã được quốc tế hóa, trở thành một bộ phận quan trọng của pháp luật quốc tế.
Ngoài cơ chế quốc tế của Liên hiệp quốc, các cơ chế khu vực về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng sớm ra đời nhằm hỗ trợ cho cơ chế quốc tế giải quyết nhanh chóng, hiệu quả hơn các vấn đề ở cấp khu vực nhằm đảm bảo quyền con người ở mức cao nhất, cụ thể như: Cơ chế châu Âu về quyền con người (Ủy ban châu Âu về Nhân quyền, Tòa án Nhân quyền châu Âu…); Cơ chế châu Mỹ (Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người, Ủy ban Liên Mỹ, Công ước Liên Mỹ, Tòa án Liên Mỹ…); Cơ chế châu Phi (Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc, Ủy ban Quyền con người và Quyền các dân tộc châu Phi…).
Ở châu Á hiện chưa xây dựng được cơ chế nhân quyền liên chính phủ như nhiều khu vực khác trên thế giới, nhưng ở cấp độ tiểu khu vực đã bước đầu hình thành cơ chế liên chính phủ về quyền con người: Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em ở ASEAN (2004); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (2007); Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (2012), đặc biệt là thành lập các tổ chức để bảo vệ nhân quyền như Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR, 2009) hay Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC, 2010)…
Việt Nam: Quyền con người là quyền làm chủ của nhân dân
Ở Việt Nam, quyền con người không phải ngẫu nhiên mà có. Cần nhớ rằng, sau Luật về các quyền của Anh (1689), Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (1789), nghĩa là trên hai thế kỷ, khi các quyền công dân và quyền con người ở phương Tây đã được tuyên bố bảo đảm, thì ở Việt Nam, “các quyền đó vẫn đắm chìm trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến, đẳng cấp, tàn bạo, không một quốc gia nào “khai hóa” hoặc chia sẻ”(3).
Có thể khẳng định, quyền con người ở Việt Nam chỉ ra đời khi nhân dân Việt Nam giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám (1945). Đối với Hồ Chí Minh, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(4). Sau đó, các quyền tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam đã được trân trọng ghi trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp đầu tiên (1946). Tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh còn được thể hiện sâu sắc, phong phú trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn hơn một phần hai thế kỷ của Người.
Theo Hồ Chí Minh, quyền con người không chỉ là quyền của các cá nhân mà còn là quyền của mỗi dân tộc, của các dân tộc, trong đó độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước là tiền đề, điều kiện tiên quyết của quyền cá nhân. Mặt khác, bảo vệ quyền con người là thước đo, là bản chất của Nhà nước và của xã hội xã hội chủ nghĩa, và nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là nhân tố cơ bản đảm bảo các quyền con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, cùng với việc tạo điều kiện tối đa để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, Đảng chủ trương phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đây là điểm mới về nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, nó khác về bản chất với Nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: Pháp quyền dưới chủ nghĩa tư bản thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, đề ra những phương hướng để đảm bảo tốt hơn an ninh con người, tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước trong giai đoạn tới: Đại hội xác định việc đảm bảo quyền con người thực chất là việc phát huy nhân tố con người, đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội. Như vậy, bảo vệ quyền con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng.
Cần lưu ý rằng, việc Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam đối với các điều ước, tự nguyện chấp nhận sự ràng buộc về mặt pháp lý, kể cả cơ chế giám sát do điều ước quy định. Mặt khác, để thực hiện điều ước đó, Việt Nam đã chuyển hóa hay “nội luật hóa” điều ước đó vào luật pháp của Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là việc Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành riêng một chương (Chương 2) gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ đó đến nay, Việt Nam đã và đang bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đảng ta luôn ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế, tuân thủ những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế trong quá trình đảm bảo quyền con người, kế thừa những luận thuyết về quyền con người của các tổ chức quốc tế…; đồng thời, tiếp cận nó một cách hợp lý trong điều kiện đặc thù của một quốc gia. Đảng ta khẳng định, không nước nào có quyền sử dụng quyền con người hay lấy mục tiêu đảm bảo quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa hòa bình, an ninh độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và đảm bảo an ninh con người trên toàn thế giới. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đảng ta thực hiện các đường lối, chính sách phù hợp nhằm đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc lợi dụng quan niệm về quyền con người để tô điểm cho quan điểm phi lý “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, coi chủ quyền quốc gia không phải là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người: Năm 1982 đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1965); Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); năm 1990 tham gia Công ước về quyền trẻ em (1989); năm 2015 đã gia nhập Công ước về quyền của người khuyết tật (2006), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (1984). |
---------------------------
(1) Viện Nghiên cứu quyền con người (2005), Luật quốc tế về quyền con người, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.63.
(2) Viện Nghiên cứu quyền con người (2005), Luật quốc tế về quyền con người, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.77.
(3) Viện Nghiên cứu quyền con người (2005), Luật quốc tế về quyền con người, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.56.
(4) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (2006), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 1, tr.111-112.