Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân sống tự do, hạnh phúc

Ngày 11-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng dự và chủ trì hội nghị có GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10-12-1948 – 10-12-2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua vào ngày 19-8-2024.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người. Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, với 8 kết quả nổi bật, trong đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Theo báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia.

"Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tại Việt Nam, trẻ em được nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện đến trường; thanh niên, người trong độ tuổi lao động, người có nhu cầu tham gia lao động có nhiều cơ hội việc làm để làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước; người cao tuổi được quan tâm, chăm sóc; công tác đền ơn, đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023 và cao hơn trung bình thế giới (73 tuổi). Nhà nước hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29.000 tỷ đồng/năm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng với đó, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ được hỗ trợ; người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững; bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình với độc lập chủ quyền được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mọi người dân đều được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166.

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Trong 7 năm qua, đề án giáo dục quyền con người đã được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các bộ, ngành, địa phương và về cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những quan điểm: bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, mang tính bao trùm, toàn diện, của cả nước. Quyền con người tại Việt Nam gồm các nội hàm quan trọng về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng, cụ thể gồm: được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ, phát huy tối đa lợi ích chính đáng của cá nhân mình và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; có cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày càng tăng theo từng năm; bảo đảm bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đối với việc bảo đảm quyền con người nói chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người.

Đối với việc triển khai đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham gia ban điều hành đề án, UBND các tỉnh, thành và cơ quan có liên quan, cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án; hoàn thành việc triển khai đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các sơ sở giáo dục đại học trong năm học 2025-2026.

Thủ tướng yêu cầu chủ động tiến hành tổng kết quá trình thực hiện đề án trong giai đoạn 2017-2025; đồng thời nghiên cứu trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục