Trong phần tranh tụng chiều nay giữa các luật sư và đại diện VKS, luật sư Hoàng Huy Được, bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Ngọc cho rằng, việc cáo buộc thân chủ của mình nhận 4 lần tiền của Oceanbank và khép vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là chưa đúng. Bởi theo ông, theo pháp luật tố tụng VKS phải tranh luận với luật sư về từng vấn đề; và tội phải đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật đảm bảo 3 yếu tố của chứng cứ: liên quan, hợp pháp, hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Được cũng cho rằng, các bị cáo biết “quà” này là từ Oceanbank chi ngoài hợp đồng, nhưng việc quyết định chi hay không chi là do Oceanbank. “Tâm lý của những người rơi vào tình cảnh này, việc hoang mang, lo sợ không dám nhận là bình thường, nhưng không phải vì thế mà cho rằng các bị cáo không dám nhận là hành vi chiếm đoạt. Tôi cho rằng nhận định như thế là không đúng, tôi cho rằng việc nhận tội của các bị cáo là hình thức giảm nhẹ, phải phù hợp với tài liệu chứng cứ được đánh giá công khai trước đó” , luật sư bào chữa cho bị cáo Ngọc nói.
Thêm lời, luật sư Đỗ Ngọc Quang bày tỏ, "việc xác định tội phải căn cứ đúng pháp luật, bị cáo Đinh Văn Ngọc không có hành vi đe dọa bị hại đưa tiền cho mình, mà đó là tự nguyện, do đó ý thức chiếm đoạt ban đầu là không có, không phải là chiếm đoạt, HĐXX cần xem xét lại, làm sao cho các bị cáo tâm phục, khẩu phục trước bản án”.
Trong khi đó, đại diện VKS cho rằng, cơ bản quan điểm của các luật sư không có gì mới. Việc buộc tội các bị cáo vào lời khai chỉ là một trong những căn cứ. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX xem xét các yếu tố, tình tiết để đưa ra bản bán.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, bị cáo Nguyễn Hoài Giang nói, việc xảy ra lần này là bài học đắt giá cho bị cáo: “Đặc biệt khi chúng tôi là những người đã từng cống hiến, xây dựng các công trình lọc hóa dầu, nhưng quá khứ và tương lai sắp tới chúng tôi vẫn là những người cống hiến. Những kinh nghiệm đó rất quý để chúng tôi tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho tương lai. Tôi muốn đề nghị HĐXX xem xét mức án nhân văn, nhân đạo cho anh em chúng tôi, để có cơ hội cống hiếu trở lại cho đất nước", bị cáo Giang khẳng định.
Trong khi đó, bị cáo Vũ Mạnh Tùng nấc nghẹn nói: “Qua 2 ngày xét xử, bị cáo thấy rõ hành vi vi phạm của mình, bị cáo hợp tác tốt với cơ quan điều tra, trước HĐXX, bị cáo không muốn nói tâm trạng của mình, nhưng chỉ nói rằng, các anh em ở đây đã cố gắng hết mình, đã xây dựng nên dự án lọc dầu có quy mô lớn nhất nước. Bị cáo mong muốn HĐXX cho bị cáo bản án nhẹ nhất để sớm được về với xã hội”.
Trình bày lâu nhất, bị cáo Đinh Văn Ngọc cảm ơn các cán bộ điều tra, trại tạm giam đã nhiều lần cấp cứu bị cáo lúc nửa đêm, do bị cáo bị cao huyết áp. Bị cáo Ngọc bày tỏ, đã nhận thức được hành vi của mình, và cảm thấy rất ăn năn, cho dù đó là hành vị phạm tội bị động. “Dẫu sao phạm tội vẫn là phạm tội, bị cáo quyết tâm phối hợp thành khẩn với các cơ quan bảo vệ pháp luật, bị cáo thấy rằng, trong thời gian 2 ngày qua, phiên tòa công khai, minh bạch, theo đúng tinh tần hoạt động tư pháp, nơi mà quyền dân chủ công lý đã và đang được bảo vệ, bị cáo cảm ơn điều đó”.
Căn cứ kết luận tranh luận, HĐXX nhận định, trên cơ sở hồ sơ điều tra, trong 2 ngày xét xử, các bị cáo đã khai các hành vi phạm tôi, phù hợp với lời khai trước cơ quan điều tra, điều đó đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tôi. Xét tính chất, mứ độ, hành vinh phạm tội của các bị cáo, HĐXX quyết định phạt bị cáo Phạm Xuân Quang 6 năm tù; Đinh Văn Ngọc 4 năm tù; Nguyễn Hoài Giang 7 năm tù; và Vũ Mạnh Tùng 8 năm tù.
Các bị cáo đều bị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Tòa cũng buộc các bị cáo trả lại cho Hà Văn Thắm số tiền hơn 10 tỷ đồng, do ông Thắm phải thực hiện nghĩa vụ dân sự bồi thường cho Ngân hàng Đại Dương. Các bị cáo có quyền kháng án.