Nhan nhản cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư: Nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường

Từ năm 2016, TPHCM đã thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô. Thế nhưng, vì nhiều lý do nên vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong các khu dân cư.
Một cơ sở buôn bán than củi trong khu dân cư trên đường Lương Ngọc Quyến, phường 13 (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Một cơ sở buôn bán than củi trong khu dân cư trên đường Lương Ngọc Quyến, phường 13 (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Phát thải khói bụi, mùi hôi

Anh D. (ngụ ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh, nhà anh bị kẹp giữa cơ sơ sản xuất ngũ kim Hiệp Hưng và doanh nghiệp gia công đế giày Phát Vĩnh. Mỗi khi hoạt động, 2 cơ sở này luôn gây tiếng ồn và phát tán mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của gia đình anh nói riêng và khu dân cư nói chung. Đặc biệt, doanh nghiệp Phát Vĩnh thường xả nước tẩy rửa các thiết bị máy móc chảy tràn ra đường và ngấm vào tường nhà anh. Nhiều lần người dân đã gửi đơn phản ánh lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp, có giải pháp di dời hai cơ sở này khỏi khu dân cư, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý…

Tương tự, theo phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, tại tuyến đường Liên khu 5-6, Liên khu 4-5 thuộc các phường Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và tuyến Tỉnh lộ 10 kéo dài (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), có rất nhiều cơ sở sản xuất chế biến gỗ, hàn inox, kho tập kết phế liệu… tồn tại trong các khu dân cư. Phần lớn các cơ sở này đều không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải… Chị M. (nhà ở đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cho biết, nhà chị gần một cơ sở sản xuất chế biến gỗ (không bảng hiệu, chỉ được quây bằng những tấm tôn cũ, bụi bẩn bám đen ngòm - PV) thường xuyên phát thải khói bụi, tiếng ồn, mùi hóa chất khắp khu dân cư.

Tình trạng các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư không chỉ xuất hiện ở các quận, huyện ngoại thành, mà còn tồn tại ngay ở một số quận nội thành. Chị N. (chủ tiệm cơm trên đường Vũ Ngọc Phan, phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết, quá trình vận chuyển heo vào Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan (420 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) để giết mổ luôn phát tán mùi hôi khó chịu. Cứ tầm 10 giờ đến 11 giờ mỗi ngày, có nhiều xe chở heo tấp nập ra vào công ty, mùi phân heo hôi thối cứ thế bay khắp nhà dân ở khu vực này, khiến cho cuộc sống của họ bị đảo lộn. Nhiều lúc khách đang ngồi ăn cơm, uống cà phê trong quán của chị N. phải bỏ ngang vì không chịu được mùi hôi từ các xe chở heo lưu thông qua lại.

Di dời chưa triệt để

Không chỉ ghi nhận thực tế từ phản ánh của bạn đọc, PV Báo SGGP còn quay trở lại nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trong khu dân cư mà TPHCM đã nỗ lực thực hiện di dời nhiều năm về trước. Theo đó, tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất đang hoạt động với đa dạng các ngành nghề như chế biến gỗ, sản xuất đá, sản xuất chế biến bao bì… Thậm chí tại khu vực này còn hình thành thêm nhiều cơ sở sản xuất mới có nguy cơ phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Bà Trần Thị Liên (nhà ở đường Nguyễn Văn Quá, khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho biết, từ khi thành phố thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực này, môi trường ở đây đã được cải thiện nhiều. Rất nhiều cơ sở dệt nhuộm vải trước đây được di dời nên cảnh quan và môi trường đã sạch hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở chế biến gỗ, điểm tập kết phế liệu vẫn chưa chịu di dời và một số cơ sở sản xuất bún, chế biến hải sản, chế biến bao bì mới mọc lên. Hầu hết các cơ sở này khi hoạt động là gây tiếng ồn, phát tán mùi hôi làm cho cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khói đen phát ra từ các cơ sở chế biến gỗ bay mù mịt. “Thành phố nên tiếp tục thực hiện di dời hết, không cho tồn tại các cơ sở này trong khu dân cư, có như vậy thì môi trường sống của người dân mới được đảm bảo”, bà Trần Thị Liên kiến nghị.

Theo Sở TN-MT TPHCM, năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thí điểm xử lý 21 cơ sở gây ô nhiễm ở khu phố 4, 5 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12). Đến nay, đã có 2 cơ sở chuyển đổi xong ngành nghề; 3 cơ sở tự di dời; có 11 cơ sở di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 và 5 cơ sở đã tạm ngưng hoạt động. Theo đánh giá của Sở TN-MT, việc thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Đồng thời khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới công nghệ, thiết bị, thay đổi ngành nghề, nâng cao chất lượng sản xuất và phát triển ổn định.

Mặt khác, từ việc thí điểm xử lý cơ sở gây ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận cũng đã giúp thành phố rút ra được những bài học kinh nghiệm để từ đó có thể nhân rộng triển khai ở các địa phương khác, đó là xác định được địa điểm tiếp nhận di dời, thiết lập khu vực tập trung cùng loại ngành nghề gây ô nhiễm môi trường (ngành dệt nhuộm), có cùng tính chất ô nhiễm… Điều này giúp thuận lợi hơn trong công tác xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát sinh, đảm bảo hiệu quả tối ưu về mặt chất lượng môi trường và lợi ích xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Năm 2016, UBND TPHCM đã có Công văn 1097/UBND-THKH chấp thuận chủ trương hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn, thời gian hỗ trợ lãi suất là 7 năm theo chương trình kích cầu đầu tư cho các cơ sở có nhu cầu vay vốn để xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị thực hiện di dời vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 và chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Không những thế, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 cũng có một số chính sách hỗ trợ cho các cơ sở di dời như hỗ trợ giá thuê đất, đơn giá cấp hơi nước được giữ nguyên từ thời điểm xây dựng (2016) đến nay; hỗ trợ chịu thuế VAT của giá hơi nước cho các cơ sở khi di dời và hoạt động ở trong khu.

MINH HẢI

Khó di dời vào các khu công nghiệp

Theo Sở TN-MT TPHCM, công tác di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ khỏi khu dân cư gặp không ít khó khăn như các cơ sở không chủ động, thiếu sự tương tác với các sở, ban, ngành trong việc trao đổi thông tin, tiếp cận các chính sách ưu đãi; chưa tích cực thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới. Thậm chí có tình trạng cố tình kéo dài việc đưa vào hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 thông qua việc chưa hoặc không thống nhất về vấn đề cấp hơi cho hoạt động sản xuất, có hành vi đối phó, tháo dỡ niêm phong, không chấp hành các quy định xử phạt, đình chỉ, cấm hoạt động tại vị trí cũ.

Đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho biết, trên địa bàn huyện có 185 cơ sở nằm xen cài trong khu dân cư có phát sinh nước thải công nghiệp. UBND huyện đã thành lập 5 tổ kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra theo quy định. Đồng thời đã vận động di dời 26 cơ sở vào Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân; chuyển đổi ngành nghề không phát sinh nước thải công nghiệp 9 cơ sở. Hiện còn 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh nước thải công nghiệp, trong đó có 133 cơ sở đã thực hiện đầu tư, xây dựng công trình xử lý nước thải (đạt tỷ lệ 84,17%).

Trong quá trình xử lý các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư, UBND huyện Bình Chánh cũng đang gặp một số khó khăn như chế tài chưa đủ mạnh, cơ sở không chấp hành nghiêm các hình thức xử phạt. Với phương án di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư, huyện cũng đang gặp khó trong việc bố trí các nơi tiếp nhận bởi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đều đã lấp kín. Mặt khác, các cơ sở này phần lớn có quy mô nhỏ, lại hoạt động trong những ngành nghề có tính rủi ro cao cho môi trường nên ít có khu công nghiệp nào phù hợp để khuyến khích họ di dời vào. UBND huyện Bình Chánh cũng đã kiến nghị thành phố bố trí xây dựng các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy mô, tính chất ngành nghề của các cơ sở này để di dời vào.

HÀ VĂN

Tin cùng chuyên mục