Trao đổi với phóng viên báo SGGP, TS Bùi Trinh, một chuyên gia thống kê, nhận xét rằng cần nhìn thẳng vào những nhược điểm nội tại của nền kinh tế để tìm ra được những “nút bấm phát triển” hữu hiệu nhất.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong những năm gần đây, song NSLĐ vẫn còn khoảng cách đáng kể với các nền kinh tế khác trong ASEAN. Ông có bình luận gì?
- Ông BÙI TRINH: Lập luận như vậy chưa hoàn toàn chính xác. NSLĐ thường được tính đơn giản bằng GDP bình quân một lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc. Theo chuẩn quốc tế, GDP bằng tổng giá trị gia tăng cộng với thuế. Nhưng nếu muốn đánh giá hiệu quả lao động thực sự thì phải “bóc” riêng thuế ra; chỉ lấy tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản chia cho lao động. NSLĐ của từng ngành đang được tính như thế, tôi cho là phản ánh hiệu quả lao động chính xác hơn.
* Tính như vậy sẽ thấp hơn NSLĐ tính từ GDP, nhất là tới đây, khi khu vực kinh tế ngầm “lộ sáng”, nói cách khác là được hiển thị một phần vào GDP?
* Đúng vậy. Chẳng hạn, năm 2015, NSLĐ tính từ GDP là 79 triệu đồng/lao động, trong khi NSLĐ tính từ tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản chỉ là 67 triệu đồng/lao động; với cách tính này, năm 2016 cho kết quả tương ứng là 84,5 triệu đồng/lao động và 70,8 triệu đồng/lao động. Nếu chiếu theo tỷ giá năm 2016 thì NSLĐ của Việt Nam tính theo tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản chỉ vào khoảng 3.189 USD/lao động, so với con số 3.800 USD/lao động nếu tính từ GDP…
Về khu vực kinh tế ngầm, tôi cho rằng tính toán giá trị gia tăng được tạo ra là không dễ dàng và nên cân nhắc kỹ việc sử dụng số liệu đó vào những mục đích nào. Nếu quyết định cộng vào GDP thì cần phải điều chỉnh chuỗi số liệu thống kê - vốn là “đầu vào” quan trọng cho định hướng chính sách; để đảm bảo tính liên tục và có thể so sánh được…
Tóm lại, không phủ nhận những thành tựu tăng trưởng, nhưng chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận là NSLĐ của Việt Nam còn thấp. Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các lĩnh vực có NSLĐ cao hơn gấp nhiều lần năng suất chung của nền kinh tế là bất động sản, khai thác khoáng sản, sản xuất và phân phối điện. Đó là những ngành về cơ bản dựa vào tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Còn các ngành sản xuất kinh doanh khác có NSLĐ thấp hơn nhiều.
Mặc dù quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam trong những năm qua diễn ra khá nhanh, nhưng lực lượng lao động trong các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn. Đa số lao động trong khu vực này làm các công việc giản đơn, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, làm giảm năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, du lịch - có năng suất lao động cao - thì vẫn còn thấp.
* Để thu hẹp khoảng cách về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước, ông có khuyến nghị giải pháp, chính sách nào?
- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ khu vực NSLĐ thấp sang NSLĐ cao vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh. NSLĐ cao phải đến từ nghiên cứu và phát triển, chứ nếu cố tăng năng suất trong những ngành thâm dụng lao động, bằng cách làm ngày làm đêm, thì chỉ có thể khiến cho người lao động bị vắt kiệt sức lực. Nhưng nâng cao NSLĐ dựa vào chuyển dịch kinh tế cũng có giới hạn nhất định. Muốn nâng cao NSLĐ một cách bền vững thì phải nhắm đến khu vực doanh nghiệp để tăng năng suất nội ngành. Ở các nền kinh tế phát triển, tăng năng suất nội ngành mới là yếu tố chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thâm dụng lao động thì phải tìm cách hợp lý hóa sản xuất, sắp xếp lại nhân lực để có quy mô lao động tối ưu. Một lưu ý nữa là theo nguyên tắc về thường trú của hệ thống các tài khoản quốc gia, phần giá trị gia tăng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về quốc gia đặt đại bản doanh của họ. Như thế, nếu dựa quá nhiều vào khu vực này thì số liệu về NSLĐ có thể đẹp, nhưng nền kinh tế Việt Nam không được hưởng nhiều lợi ích từ đó. Cho nên cũng đã có ý kiến đề xuất việc tính toán NSLĐ và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác dựa trên GNI (tổng thu nhập quốc gia) thay vì GDP. Có nghĩa là chúng ta phải chú trọng hơn nữa, có những giải pháp thực chất hơn nữa để hỗ trợ khu vực trong nước.
Tôi được biết Chính phủ sẽ sớm thành lập ủy ban năng suất quốc gia, trong đó, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ tương tự như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện. Điều đó cũng tốt, nhưng ủy ban này chỉ có thể phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam thôi, nghĩa là các động lực kia cũng phải cùng vận hành nhịp nhàng mới được. Nói gì thì nói, muốn có NSLĐ cao thì phải có con người giỏi, có năng lực; phải đầu tư cho giáo dục, không chỉ đầu tư nhiều, mà đầu tư đúng cách, đúng chỗ nữa. Nguồn nhân lực phải tốt, điều này đòi hỏi giáo dục phải có bước chuyển biến thực chất trong giáo dục.
* Còn các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... cho các khu vực được định hướng ưu tiên như doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất?
- Tất nhiên rồi. Nhưng cái gốc vẫn là giáo dục để xây dựng, củng cố được nguồn nhân lực.
* Xin cảm ơn ông!